EU nhất trí về quỹ cứu trợ trị giá 500 tỷ euro

Các Bộ trưởng Tài chính EU đã hoàn tất thỏa thuận về quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone, với khả năng cho vay lên tới 500 tỷ euro.
Các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) họp tại Luxembourg ngày 20/6 đã hoàn tất những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận về quỹ cứu trợ thường trực của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với khả năng cho vay thực tế của quỹ này lên tới 500 tỷ euro.

Với mục tiêu thiết lập Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) mới, nhằm thay thế Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu tạm thời trị giá 440 tỷ euro được thành lập hồi năm ngoái, các nước thành viên được đề nghị đóng góp 620 tỷ euro bằng các khoản bảo lãnh tín dụng và 80 tỷ euro tiền mặt.

Hồi tháng 3 năm nay, các nước thành viên EU đã thống nhất sẽ đưa quỹ cứu trợ mới vào hoạt động thay thế quỹ cũ vào giữa năm 2013. Các chính phủ sẽ giải ngân phần đóng góp tiền mặt cho quỹ theo 5 giai đoạn từ năm 2013 đến 2017. Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, chịu trách nhiệm đóng góp nhiều nhất cho quỹ với 168 tỷ euro bảo lãnh và 22 tỷ euro tiền mặt.

Các bộ trưởng cũng nhất trí rằng trái phiếu do quỹ này phát hành sẽ không được hưởng quyền ưu tiên trả nợ của nợ quốc gia. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia nhận cứu trợ có cơ hội trở lại thị trường để tự phát hành trái phiếu chính phủ dễ dàng hơn, vì nếu so sánh với quyền ưu tiên trả nợ của trái phiếu chính phủ này, nhà đầu tư trái phiếu tư nhân có thể sẽ tất toán nhanh số trái phiếu do quỹ phát hành, do trái phiếu này chỉ được hưởng mức độ ưu tiên trả nợ thứ cấp.

Tuy nhiên, quyết định này cũng sẽ hàm chứa nhiều rủi ro hơn cho các quốc gia thành viên. Ông Sony Kapoor, người đứng đầu Re-Define, một tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế độc lập, cho rằng đối với người nộp thuế EU, đây là một "đòn nặng nề."

Ông phân tích nếu trái phiếu này không được hưởng quyền ưu tiên trả nợ, các chính phủ chủ nợ sẽ không sẵn sàng cho vay thông qua cơ chế ESM. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả của cơ chế này, dẫn đến hậu quả là tình trạng bất ổn tài chính lây lan trên toàn Khu vực đồng euro.

Trong khi đó, vốn hoạt động của quỹ cứu trợ hiện thời của Khu vực đồng tiền chung đã được nâng lên 726 tỷ euro, do vậy mức cho vay thực tế có thể lên tới 440 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục