EU tìm biện pháp cụ thể tăng sức mạnh Eurozone

Theo một văn bản chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/6 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể hướng tới một liên minh ngân hàng liên quốc gia, sự liên kết tài chính chặt chẽ hơn cho Khu vực đồng euro (Eurozone).

Mục đích của kế hoạch này nhằm trao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trách nhiệm giám sát các ngân hàng lớn nhất trong khu vực, trong khi Cơ quan Ngân hàng châu Âu duy trì quyền giám sát rộng hơn phối hợp với cơ quan điều phối ở các quốc gia thành viên EU.
Hãng tin Reuters ngày 24/6 cho biết theo một văn bản chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/6 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể hướng tới một liên minh ngân hàng liên quốc gia, sự liên kết tài chính chặt chẽ hơn và khả năng thành lập "quỹ chuộc nợ" như giải pháp tăng cường sức mạnh kinh tế và tiền tệ cho Khu vực đồng euro (Eurozone).

Văn bản dài hơn 10 trang của EU mà Reuters có được đặt ra 4 "trụ cột" gồm liên minh ngân hàng, chính sách ngân sách thống nhất hơn, các biện pháp đảm bảo hội nhập kinh tế sâu hơn và cách thức tiếp quản quyền hạn pháp lý trong trường hợp một số nước thành viên từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình. Theo đó, EU cần thành lập Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu duy nhất có trách nhiệm hoặc theo dõi mọi ngân hàng trong khu vực, hoặc theo dõi các ngân hàng lớn với các hoạt động liên quốc gia, trong khi một thể chế khác chịu trách nhiệm giám sát trên quy mô lớn hơn và trên cơ sở hàng ngày.

Mục đích của kế hoạch này nhằm trao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trách nhiệm giám sát các ngân hàng lớn nhất trong khu vực, trong khi Cơ quan Ngân hàng châu Âu duy trì quyền giám sát rộng hơn phối hợp với cơ quan điều phối ở các quốc gia thành viên EU.

Cũng theo văn bản trên, EU cần củng cố và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ chế đảm bảo tiền gửi của các quốc gia thành viên nhằm tạo "lá chắn" bảo vệ tiền gửi trong toàn EU; đồng thời thành lập quỹ cứu trợ chung nhằm vực dậy những ngân hàng yếu kém. Quỹ này có thể lấy vốn hoạt động từ các loại thuế "đánh" vào các ngân hàng như thuế giao dịch tài chính... và sẽ được sử dụng như một giải pháp thống nhất trong toàn EU cho mỗi trường hợp cụ thể.

Nhằm đảm bảo sự phối hợp tài chính chặt chẽ hơn, văn bản kêu gọi EU đi xa hơn những đề xuất mang tính pháp lý hiện có như hiệp ước tài chính, với lý do một khi đạt được sự phối hợp chặt chẽ hơn về ngân hàng và tài chính thì đề xuất về biến nợ quốc gia thành mối lo chung trong khu vực - do Pháp, Italy và một số nước thành viên EU khác khởi xướng song vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Thủ tướng Đức Angela Merkel - sẽ trở nên cấp bách hơn đòi hỏi phải cho ra đời "quỹ chuộc nợ."

Văn bản mới cũng đề cập một số vấn đề khác như cách thức sử dụng lực lượng lao động linh hoạt hơn, biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh trong toàn EU và kiểm soát thuế.

Nhóm "Bộ tứ" trong EU gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Juncker soạn thảo văn bản trên trong suốt tháng qua và sẽ đưa văn bản này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.

Theo các nhà quan sát, đề xuất về biến nợ quốc gia thành tài sản chung của EU và chia sẻ trách nhiệm pháp lý đối với nợ công sẽ là những vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất tại hội nghị EU sắp tới và nhiều khả năng hội nghị sẽ không đưa ra quyết định cụ thể nào.

Tuy nhiên, nếu hội nghị nhất trí rằng đã đến lúc cần thúc đẩy các ý tưởng trên thì nhóm "Bộ tứ" sẽ có cơ sở để phát triển các đề xuất mới một cách chi tiết hơn, thậm chí có thể đưa ra thời gian biểu cụ thể cho việc xúc tiến kế hoạch này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục