EU tìm cách để giảm sức ép chính sách khắc khổ

Theo một quan chức EU, các chuyên gia tài chính có thể điều chỉnh cách tính thâm hụt cơ cấu nhằm giảm sức ép khắc khổ...
Theo một quan chức của Liên minh châu Âu (EU), các chuyên gia tài chính khu vực đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về việc điều chỉnh cách tính toán thâm hụt cơ cấu, một thay đổi mang tính chất kỹ thuật nhưng có thể sẽ làm giảm sức ép phải thực hiện các biện pháp khắc khổ đối với một số nước đang lao đao vì cuộc khủng hoảng nợ.

Quan chức trên cho rằng thay đổi như vậy sẽ rất có ý nghĩa đối với Tây Ban Nha khi tính đến cơ cấu thị trường lao động nước này, trong khi cũng có những tác động tích cực dù nhỏ hơn đối với Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Tây Ban Nha đang đau đầu giải quyết vấn đề việc làm, khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục 26%. Việc thay đổi cách tính toán có thể giúp nước này có thể bớt đi các biện pháp khắc khổ, tập trung hơn cho thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, quan chức đã tiết lộ thông tin trên cho biết thỏa thuận đã đạt được cần được thông qua tại hội nghị các quan chức hàng đầu của bộ tài chính các nước thành viên EU vào tuần tới. Dù có sự tham gia của các quan chức chính phủ các nước vào quyết định trên của nhóm chuyên gia, việc đạt được sự nhất trí có thể chưa chắc chắn. Các các nước chủ nợ trong khu vực có thể không đồng tình với một thỏa thuận nhằm giảm sức ép lên các nước đang nặng nợ trong khi việc cắt giảm ngân sách và cải cách cơ cấu được cho là cần thiết.

Chuyên gia Vivien Schmidt của trường Đại học Boston nhận định việc EU thay đổi chính sách ngân sách là một động thái rất tích cực.

Theo bà, đó là cách đáp lại những chỉ trích rằng các quy định của EU đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của khối này, khi buộc các chính phủ phải thu hẹp thâm hụt ngân sách ngay cả khi kinh tế đang suy thoái và thất nghiệp kỷ lục.

Bà cũng cho rằng đó là sự thừa nhận thực tế là các chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách quyết liệt trong ba năm qua đã không thể giải quyết được vấn đề tăng trưởng./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục