EU từ chối đề xuất giá sàn xe điện của Trung Quốc

Khi từ chối đề xuất của Trung Quốc, EU cho biết, vấn đề không chỉ ở mức giá mà các nhà sản xuất ôtô đưa ra cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc, mà còn ở các khoản trợ cấp sản xuất xe điện.

Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế ở Munich, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế ở Munich, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các nguồn tin thân cận, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã từ chối đề xuất của Chính phủ Trung Quốc về việc áp dụng mức giá sàn 30.000 euro (tương đương 32.946 USD) đối với xe điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc hy vọng động thái này sẽ giúp tránh được các mức thuế mà EU dự kiến áp đặt vào tháng tới.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, cơ quan này đã từ chối đề nghị về giá sàn từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc một tháng trước, trong khuôn khổ cuộc điều tra chống trợ cấp đang đẩy Trung Quốc và EU vào cuộc tranh chấp thương mại lớn nhất trong 10 năm.

Mức giá xe điện chênh lệch lớn giữa Trung Quốc và châu Âu

Theo số liệu năm 2023 của công ty dữ liệu JATO Dynamics, giá xe điện trung bình ở Trung Quốc thấp hơn gần 50% so với ở châu Âu và Mỹ. Các nhà sản xuất ôtô của nước này được hưởng một loạt lợi thế về chi phí, từ việc tiếp cận nguyên liệu thô và pin trong nước đến các khoản trợ cấp lớn từ Chính phủ Trung Quốc.

Giá bán lẻ trung bình của một chiếc ôtô điện chạy pin ở Trung Quốc vào khoảng 32.000 euro (35.126,40 USD) trong nửa đầu năm 2023, bao gồm cả các mẫu xe như Seagull của BYD được bán với giá dưới 10.000 euro.

Ngược lại, theo dữ liệu của JATO, giá bán lẻ trung bình của một chiếc ôtô điện chạy pin ở châu Âu là 66.000 euro. Hầu hết các mẫu xe giá rẻ hơn đang được phát triển, ở mức khoảng 20.000 euro, sẽ không được tung ra thị trường cho đến ít nhất là năm 2025, trong đó Volkswagen đặt mục tiêu sản xuất xe có giá 20.000 euro vào năm 2027.

Khi từ chối đề xuất của Trung Quốc, EU cho biết, vấn đề không chỉ ở mức giá mà các nhà sản xuất ôtô đưa ra cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc, mà còn ở các khoản trợ cấp sản xuất xe điện.

EC đã từ chối cung cấp chi tiết về các đề nghị, theo đó các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc cam kết tuân thủ các ngưỡng giá nhất định để tránh làm tràn ngập các loại xe giá rẻ ở thị trường châu Âu, mà khối này cho rằng các đối thủ địa phương không thể cạnh tranh được.

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc như SAIC và BYD đang định giá các mẫu xe điện của họ ở mức chỉ hơn 30.000 euro tại châu Âu, mặc dù các nhà sản xuất này bán chúng với giá thấp hơn nhiều ở thị trường nội địa, cho thấy sự linh hoạt của họ nhưng cũng là sức hấp dẫn của việc bán hàng ở châu Âu.

Seagull của BYD, một mẫu xe điện nhỏ hơn dự kiến sẽ ra mắt thị trường châu Âu vào năm tới, dự kiến sẽ có giá dưới 20.000 euro.

Tương lai đàm phán và nguy cơ áp thuế

Thời gian để ngăn chặn thuế quan thông qua một thỏa thuận đàm phán đang còn lại rất ít, khi EC tuần trước cho biết, mức thuế lên tới 45% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc sẽ được áp dụng từ ngày 31/10 trong 5 năm, nếu cả hai bên không thống nhất được một "Kế hoạch B."

Ngày 8/10, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, ảnh hưởng đến các thương hiệu của Pháp bao gồm Hennessy và Remy Martin, vài ngày sau khi khối 27 quốc gia bỏ phiếu áp thuế đối với xe điện.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, họ đang tìm cách đàm phán một giải pháp thay thế cho thuế quan, bao gồm một hình thức "cam kết định giá linh hoạt".

Về phần mình, EC cho biết, họ sẵn sàng xem xét lại các cam kết về giá khác, bao gồm giá sàn và hạn ngạch nhập khẩu, khi các cuộc đàm phán tiếp diễn.

Theo các nguồn tin, một giải pháp khả thi là mức giá sàn được tính toán riêng cho từng nhà sản xuất ôtô và có thể cho từng loại xe, tùy thuộc vào kích thước và phạm vi hoạt động của xe.

Mức giá sàn từ 35.000 đến 40.000 euro sẽ là thước đo tốt hơn cho các cuộc đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục