EU xây dựng kế hoạch bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp

EC đã đưa ra một kế hoạch hành động cho đến năm 2015 để bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp khối này trước tác động của biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nga.
EU xây dựng kế hoạch bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp ảnh 1Gian hàng bán sữa trong một siêu thị ở trung tâm thủ đô Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/9, tại cuộc họp không chính thức cấp bộ trưởng nông nghiệp các nước Liên minh châu Âu (EU) ở Milan (Italy), Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một kế hoạch hành động cho đến năm 2015 để bảo vệ các nhà sản xuất nông nghiệp khối này trước tác động của biện pháp hạn chế xuất khẩu mà Nga ban hành nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của EU.

Theo Ủy viên EU về nông nghiệp và phát triển nông thôn Dacian Ciolos, EU đã tìm ra các nguồn tài chính ngoài ngân sách để hỗ trợ nông nghiệp, cụ thể là tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và xuất khẩu nông sản sang Nga qua các nước thứ ba.

Ủy viên EU cho rằng sự hỗ trợ trên không làm trầm trọng thêm khủng hoảng cũng như trì hoãn việc tìm kiếm giải pháp dài hạn.

Theo thông tin ông cung cấp, hiện EU đã khôi phục lại được mức giá nông sản từng bị rớt sau khi Nga cấm nhập khẩu một loạt mặt hàng của thị trường này hồi đầu tháng Tám vừa qua, cũng như đã đảm bảo được các kho bảo quản cho sản phẩm sữa.

Cùng ngày, EC đã thông qua quyết định mở chương trình hỗ trợ mới trị giá 165 triệu euro cho các nhà sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại từ lệnh cấm nhập khẩu của Nga.

Số tiền trên sẽ được sử dụng để thu hồi rau quả dư thừa trên thị trường và đem phân phối miễn phí, tránh nguy cơ rớt giá, hỗ trợ thuê kho bảo quản mặt hàng sữa trong khi tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

Chương trình mới này sẽ kéo dài đến cuối năm nay, và tập trung cho bốn nhóm hàng với 12 nước chiếm thị phần xuất khẩu rau quả sang Nga cao nhất trong thời kỳ 2011-2013.

Hai chương trình hỗ trợ trước gồm 125 triệu euro cho hàng rau quả và 30 triệu euro cho phomát và sản phẩm sữa đã bị đình lại do thiếu tiền cũng như tỷ lệ nhà sản xuất nhận được hỗ trợ quá thấp (không quá 5%).

Theo đánh giá của EU, biện pháp đáp trả mà Moskva áp dụng để đối phó với các đòn trừng phạt từ EU liên quan cuộc xung đột tại Ukraine đã gây thiệt hại khoảng 5 tỷ euro đối với ngành xuất khẩu nông sản khối này.

Còn theo ước tính của các nhà sản xuất EU thì thiệt hại lên tới 7 tỷ euro, trong đó hỗ trợ của EU chỉ bù được từ 5-10% số thiệt hại đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục