EVFTA: Ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại

Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù hoạt động thương mại hàng hóa bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Việt Nam đang phải ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau.
EVFTA: Ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại ảnh 1Sản xuất giày xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng càng gia tăng nguy cơ đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại. Để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sử dụng hiệu quả các công cụ này khi cần thiết.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị tập huấn công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) do Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/8.

Phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng

Ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin, giai đoạn 2019-2020 chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới.

Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù hoạt động thương mại hàng hóa bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến phòng vệ tương mại tăng lên đáng kể, riêng Việt Nam đang phải ứng phó với 27 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau.

Điều này xuất phát từ việc ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực thi với mức độ cắt giảm thuế sâu nhằm tăng cường thương mại toàn cầu. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực, EU sẽ miễn thuế cho phần lớn hành hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này vừa có lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thương mại như gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế…

Theo ông Phùng Gia Đức, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đa dạng, phong phú, từ mối đe dọa "an ninh quốc gia" dẫn đến tăng thuế nhập khẩu nhôm thép cho đến vấn đề "bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ."

[Bộ Công Thương hướng dẫn chứng từ chứng nhận xuất xứ trong EVFTA]

Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến các biện pháp trả đũa trực tiếp, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Các vụ việc phòng vệ thương mại trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Số vụ điều tra chống lẩn tránh từ năm 2014 đến nay đã nhiều hơn tổng số vụ việc lẩn tránh bị điều tra tù năm 2013 trở về trước.

Tính đến hết tháng 3/2020, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Phân tích về vấn đề áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường EU trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, EU là thị trường xuất khẩu tạo thặng dư thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2019 thặng dư hơn 26,5 tỷ USD.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ hơn 90% các dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam, trong khi Việt Nam mới giảm 50% số dòng thuế đối với hàng hóa EU.

Thặng dư thương mại của Việt Nam vào EU dự báo sẽ tăng 3-5%/năm, sau 3 năm có thể tăng thêm 10%. Về lâu dài, khi EU thâm hụt thương mại sâu hơn sẽ có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các nhóm hàng Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU bao gồm điện thoại, linh kiện điện tử; giày dép và dệt may; trong đó giày mũ da và sợi đã từng có tiền lệ bị EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá…

Ngoài ra, nông sản và đồ gỗ là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng lại là nhóm ngành “nhạy cảm” được EU bảo hộ, do đó việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này trong tương lai cần cẩn trọng trong thực hiện quy tắc xuất xứ và cân đối năng lực sản xuất với kim ngạch xuất khẩu.

Chủ động ứng phó

Ông Phan Khánh An, Phó trưởng phòng Pháp chế, Cục phòng vệ thương mại chia sẻ, từ khi hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đối mặt với 189 vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại khác nhau bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thuế và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong 5 năm gần đây nhất đã có 91 vụ việc, xảy ra chủ yếu với các thị trường Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU khiến một số mặt hàng xuất khẩu bị mất thị trường hoặc phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng.

Theo ông Phan Khánh An, khác với tố tụng hình sự, nếu không có bằng chứng thì nguyên tắc phán quyết phải dựa trên suy luận vô tội, việc điều tra chống bán phá giá được ngầm hiểu bên nguyên đơn mặc định bị đơn vi phạm luật chống bán phá giá và bên bị đơn có nghĩa vụ chứng minh mình không bán phá giá hoặc chấp nhận biện pháp trừng phạt.

Quy trình điều tra một vụ việc phòng vệ thương mại lại bao gồm rất nhiều bước, bắt đầu từ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra, khởi xướng điều tra, gửi và nhận bảng trả lời câu hỏi, kết luận sơ bộ/áp thuế tạm thời, thẩm tra tại chỗ, kết luận cuối cùng, rà soát giữa kỳ và rà soát cuối kỳ.

Muốn giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, phòng vệ thương mại quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.

Trong khi đó, ông Phùng Gia Đức nhấn mạnh, các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn nên các doanh nghiệp cần thương xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả.

Trong trường hợp trở thành bị đơn, sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn và cơ quan điều tra; cung cấp bằng chứng, thông tin chứng minh sự khác biệt của sản phẩm; phát hiện các thông tin, số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác để phản biện; kiểm tra các lập luận về thiệt hại do nguyên đơn cung cấp.

Song song với việc ứng phó, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam cần ý thức đến việc sử dụng “vũ khí” phòng vệ thương mại để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình trước hàng hóa nhập khẩu.

Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục phòng vệ thương mại cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 17 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam và đưa ra 14 biện pháp phòng vệ.

Thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng, Việt Nam đã bảo vệ được nhiều ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, bảo vệ công ăn việc làm cho khoảng 150.000 lao động và giảm thiểu nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp, ngành hàng nào cũng nhận thức được việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt là đối với các ngành hàng mới tham gia vào thị trường xuất khẩu như sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm.

Chính vì vậy, cùng với việc tuyên truyền các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế, ứng phó với các rủi ro về phòng vệ thương mại các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp, người sản xuất trong nước nhận biết và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, hiệu quả, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh ngay tại thị trường trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục