Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến đầu tháng 10/2015, Tập đoàn này đã thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện trên cả nước với tổng diện tích phải trồng gần 12.860ha.
Theo đó, đã có 3 dự án Thủy điện ở khu vực miền trung hoàn thành công tác trồng bù rừng và được cấp chứng nhận gồm A Vương, Sông Ba Hạ và Buôn Tua Srah; 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 để địa phương trồng và chăm sóc năm đầu gồm thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4 và Sông Bung 2.
Riêng dự án Thủy điện Huội Quảng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã đồng ý hình thức chuyển tiền thay cho phương án chủ đầu tư thực hiện. EVN đã chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hết quý III/2015 theo quy định cho quỹ hỗ trợ phát triển rừng tỉnh Lai Châu.
Việc trồng bù rừng thay thế là nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.
Đây là những nỗ lực của EVN nhằm thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa 13 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Cũng như thực hiện Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 và Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Trong nhiều năm qua, EVN đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các Công ty thủy điện thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại diện EVN cho biết, sở dĩ trước đây, việc trồng bù rừng thay thế chậm triển khai là do những vướng mắc khách quan như chưa có hướng dẫn, quy định thống nhất đối với các dự án đã triển khai trước thời điểm hiệu lực của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, phương án trồng bù chậm được phê duyệt do chưa thống nhất được đơn giá, thời gian, chi phí chăm sóc bảo vệ, loại cây, diện tích trồng bù đối với diện tích rừng sản xuất đã được chủ đầu tư đền bù đất và tài sản trên đất...
Theo EVN, ngoài việc chi hàng nghìn tỷ đồng trồng bù rừng thay thế, Tập đoàn còn góp phần bảo vệ môi trường rừng ở 29 tỉnh nơi có dự án thủy điện của EVN thông qua nộp phí dịch vụ môi trường rừng lên tới trên 1 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, trong năm 2013, EVN đã chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương có dự án thủy điện của Tập đoàn là 1.148 tỷ đồng; năm 2014, là trên 1.192 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 4.067 tỷ đồng là số tiền EVN đã nộp để chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương./.