FDI toàn cầu giảm do rủi ro ở các nước phát triển

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới trong năm ngoái giảm tới 18% so với năm trước đó, chỉ đạt 1.300 tỷ USD.
Báo cáo công bố ngày 23/1 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới năm 2012 giảm 18% so với năm trước đó, đạt 1.300 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến FDI toàn cầu giảm là do tình hình kinh tế vĩ mô thế giới vẫn bất ổn, cùng hàng loạt yếu tố rủi ro, như cuộc khủng hoảng nợ kéo dài ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), "vách đá tài chính" ở Mỹ và sự thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất ở một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm vừa qua.

Báo cáo cho biết các nước phát triển "chịu trách nhiệm" tới 90% trong mức giảm 300 tỷ USD của FDI toàn cầu năm ngoái. Trong đó, luồng vốn FDI của Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho FDI toàn cầu, giảm khoảng 35,3%, còn ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm 34,8%.

Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển, tổng FDI cũng giảm 3,2%, còn tổng khối lượng các khoản đầu tư thu hút được đạt 680 tỷ USD, cao hơn các nền kinh tế phát triển khoảng 130 tỷ USD.

Theo dự đoán của các chuyên gia, FDI toàn cầu sẽ tăng nhẹ trong năm nay, đạt khoảng 1.400 tỷ USD, và 1.600 tỷ USD vào năm 2014, nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện đáng kể, trước hết ở các nước đang phát triển.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới năm 2007, FDI toàn cầu đã đạt con số 2.000 tỷ USD./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục