FDI Trung Quốc đạt hơn 117 tỷ USD trong năm 2013

FDI (không bao gồm lĩnh vực tài chính) của Trung Quốc đã duy trì sự phục hồi ổn định trong năm 2013 tăng 5,3%, đạt tổng cộng 117,6 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (không bao gồm lĩnh vực tài chính) vào nước này trong năm ngoái đã phục hồi, tăng 5,3%, đạt tổng cộng 117,6 tỷ USD, sau khi giảm 3,7%, xuống 111,7 tỷ USD trong năm 2012, năm mà FDI vào Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong ba năm.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, FDI vào nước này đã duy trì sự phục hồi ổn định trong năm 2013, tăng trong 11 tháng liên tiếp kể từ tháng Hai.

Chỉ riêng tháng 12/2013, nguồn vốn nước ngoài đổ vào Trung Quốc tăng 3,3%, đạt 12,1 tỷ USD. Theo Bộ trên, lần đầu tiên, lĩnh vực dịch vụ đã đóng góp hơn một nửa số vốn đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc, chiếm 52,3%.

Đầu tư vào ngành dịch vụ đạt 61,4 tỷ USD, tăng 14,2%.

Trong năm 2013, FDI từ Liên minh châu Âu (EU) vào Trung Quốc tăng 18,1%, lên 7,2 tỷ USD, còn từ Mỹ tăng 7,1%, lên 3,3 tỷ USD.

Cho đến nay, hầu hết các khoản đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, Đặc khu hành chính Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan. FDI từ các nền kinh tế này vào Trung Quốc tăng 7,1%, lên 102,5 tỷ USD.

Ngược lại, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài tăng 16,8%, đạt 90,17 tỷ USD trong năm ngoái.

Các công ty của Trung Quốc đại lục tiếp tục mua các tài sản của nước ngoài, đặc biệt là năng lượng và tài nguyên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Shen Danyang nhận định đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài có thể sẽ vượt FDI vào nước trong năm 2015 hoặc 2016, nếu không phải là năm 2014.

Trong số các điểm đến đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Nga nhận được số vốn đầu tư 4,08 tỷ USD trong năm ngoái, tăng tới 518,2%, với một loạt các dự án đang được triển khai, trong đó có các dự án trong lĩnh vực năng lượng.

Đầu tư vào Mỹ cũng tăng mạnh, tới 125%, lên 4,23 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư vào EU giảm 13,6%, do tranh chấp thương mại giữa hai bên. Đầu tư vào Nhật Bản giảm 23,5%, vào Hong Kong giảm 6%.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục