FDI và ODI của Trung Quốc đều tăng trong tháng Hai năm nay

Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng Hai, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế thứ hai thế giới này tăng chậm lại.
FDI và ODI của Trung Quốc đều tăng trong tháng Hai năm nay ảnh 1Một khu chợ ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn:AFP/TTXVN)

Theo số liệu chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng Hai vừa qua trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế thứ hai thế giới này tăng chậm lại.

Cụ thể, vốn ODI của Trung Quốc trong tháng Hai tăng 68,2% so với cùng kỳ năm trước lên 7,25 tỷ USD.

Trong khi đó, FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 0,9% lên 8,56 tỷ USD, đánh dấu mức sụt giảm mạnh từ mức tăng 29,4% trong tháng Một (thống kê ODI và FDI trên không bao gồm lĩnh vực tài chính).

Người phát ngôn của MOC Shen Danyang cho biết mức tăng ODI mạnh trong tháng Hai nhờ vốn đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu tăng gấp mười lần lên khoảng 3,36 tỷ USD, trong đó nổi bật là khoản đầu tư 2,89 tỷ USD vào Hà Lan của công ty dầu khí PetroChina - công ty con thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Ông Shen Danyang cũng nhấn mạnh rằng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng 64,8% trong trong hai tháng đầu năm 2015 (so với cùng kỳ năm 2014).

Ông Shen Danyang cho biết việc đồng euro mất giá so với đồng USD và nhân dân tệ khiến giá tài sản của khu vực EU giảm, điều này tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc đầu tư và thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) tại đây.

Trung Quốc đang tích cực mua tài sản ở nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Trung Quốc khuyến khích hoạt động mua lại các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận thị trường và thu thêm kinh nghiệm kinh doanh quốc tế.

Trong năm 2014, vốn ODI của Trung Quốc tăng lên 102,9 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD do các công ty Trung Quốc đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở quê nhà.

Trong khi đó, sức hấp dẫn của Trung Quốc như là một điểm đến đầu tư đã bị giảm sút trong những năm gần đây do chi phí cao như giá nhân công và đất đai tăng, đồng thời bị cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á.

Các quan chức Trung Quốc cho rằng nguyên nhân FDI giảm còn do các yếu tố khách quan như việc Washington chuyển dịch sản xuất công nghiệp trở về Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục