Ngày 14/2, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết tỉnh đã thống nhất và cho phép Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011, với chủ đề "Bếp Việt trong vườn Huế," nhằm tôn vinh nghề ẩm thực và cây cảnh.
Thời gian tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần này sẽ khai mạc vào tối 30/4 và bế mạc vào tối 3/5. Festival nghề truyền thống Huế được định kỳ tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ giữa hai kỳ Festival Huế (năm chẵn).
Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 được tổ chức theo ba khu vực tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội và bên bờ sông Hương. Trong đó, khu vực "Ẩm thực Đất phương Nam" sẽ giới thiệu các món ăn đặc sản dân dã Nam Bộ như heo nướng lu, gà giò nướng xôi chiên phồng, ốc bươu hấp hèm, bánh nghệ bì, cháo lươn đậu xanh…
Đến đây, du khách còn được sống trong không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục đờn ca tài tử, hát múa Khmer, dân ca Nam Bộ. Đến với không gian ẩm thực Bắc Bộ mang tên "Thương nhớ mười hai" du khách vừa thưởng thức các món ngon Hà Nội vừa nghe ca trù, chèo, hát xẩm, tham gia các trò chơi dân gian.
Không gian ẩm thực Huế là một không gian ẩm thực chay. Đặc biệt, các món chay do chính các chùa và gia đình Phật tử thực hiện. Bên cạnh đó là 100 bài thơ dạy nấu ăn được khắc in thành cuốn "Thực Phổ Bách Thiên."
Toàn bộ Khu Trường Lang Đại Nội là nơi tổ chức "Ẩm thực cung đình" và "Ẩm thực dân gian" gồm các loại bánh Huế, chè Huế, đặc sản Huế, buffet cơm Huế, cơm muối Huế… Đặc biệt, trên sông Hương còn tổ chức ẩm thực đêm với những thuyền bán đồ ăn phục vụ khách nghe ca Huế. Đây sẽ là một khu chợ nổi về đêm trên sông Hương gắn với âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Huế.
Bên cạnh không gian văn hóa ẩm thực, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 còn là nơi giới thiệu các loại cây cảnh trên khắp các vùng miền trong cả nước. Tại Quảng trường Ngọ Môn, cây cảnh sẽ làm nền cho không gian ẩm thực. Công viên Phu Văn Lâu và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu trưng bày cây cảnh theo từng chủ đề như "Cây cảnh nghệ thuật và cảm xúc thăng hoa," "Huế-một không gian xanh," "Thiền và cây cảnh."
Festival Nghề truyền thống Huế 2011 cũng giới thiệu với du khách về nghề cây cảnh, với sự tham gia của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, các Hội sinh vật cảnh và nghệ nhân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế…
Trong thời gian diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2011 sẽ có hai phòng trưng bày các bộ sưu tập cổ vật về văn hóa ẩm thực được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Liễu Quán và nhà Tả Vu (Đại Nội).
Festival Nghề truyền thống lần này cũng có nhiều hoạt động cộng đồng như các em học sinh phổ thông trung học sẽ tổ chức ngày hội "Chúng em cùng vào bếp," các đôi vợ chồng thi trổ tài "Bữa ăn hạnh phúc," thành Đoàn Huế tổ chức "Đi bộ vì màu xanh quê hương," các nghệ sĩ nhiếp ảnh Huế triển lãm ảnh nghệ thuật về ẩm thực, cây xanh và nhà vườn… Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 được khép lại với chương trình tôn vinh các nghệ nhân ẩm thực và cây cảnh.
Theo ông Ngô Hòa, đây là thời gian cao điểm của mùa du lịch, nhất là du lịch nội địa nên sẽ rất thích hợp để quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế đối với du khách trong và ngoài nước./.
Thời gian tổ chức Festival nghề truyền thống Huế lần này sẽ khai mạc vào tối 30/4 và bế mạc vào tối 3/5. Festival nghề truyền thống Huế được định kỳ tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ giữa hai kỳ Festival Huế (năm chẵn).
Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 được tổ chức theo ba khu vực tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội và bên bờ sông Hương. Trong đó, khu vực "Ẩm thực Đất phương Nam" sẽ giới thiệu các món ăn đặc sản dân dã Nam Bộ như heo nướng lu, gà giò nướng xôi chiên phồng, ốc bươu hấp hèm, bánh nghệ bì, cháo lươn đậu xanh…
Đến đây, du khách còn được sống trong không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục đờn ca tài tử, hát múa Khmer, dân ca Nam Bộ. Đến với không gian ẩm thực Bắc Bộ mang tên "Thương nhớ mười hai" du khách vừa thưởng thức các món ngon Hà Nội vừa nghe ca trù, chèo, hát xẩm, tham gia các trò chơi dân gian.
Không gian ẩm thực Huế là một không gian ẩm thực chay. Đặc biệt, các món chay do chính các chùa và gia đình Phật tử thực hiện. Bên cạnh đó là 100 bài thơ dạy nấu ăn được khắc in thành cuốn "Thực Phổ Bách Thiên."
Toàn bộ Khu Trường Lang Đại Nội là nơi tổ chức "Ẩm thực cung đình" và "Ẩm thực dân gian" gồm các loại bánh Huế, chè Huế, đặc sản Huế, buffet cơm Huế, cơm muối Huế… Đặc biệt, trên sông Hương còn tổ chức ẩm thực đêm với những thuyền bán đồ ăn phục vụ khách nghe ca Huế. Đây sẽ là một khu chợ nổi về đêm trên sông Hương gắn với âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Huế.
Bên cạnh không gian văn hóa ẩm thực, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 còn là nơi giới thiệu các loại cây cảnh trên khắp các vùng miền trong cả nước. Tại Quảng trường Ngọ Môn, cây cảnh sẽ làm nền cho không gian ẩm thực. Công viên Phu Văn Lâu và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu trưng bày cây cảnh theo từng chủ đề như "Cây cảnh nghệ thuật và cảm xúc thăng hoa," "Huế-một không gian xanh," "Thiền và cây cảnh."
Festival Nghề truyền thống Huế 2011 cũng giới thiệu với du khách về nghề cây cảnh, với sự tham gia của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, các Hội sinh vật cảnh và nghệ nhân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế…
Trong thời gian diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2011 sẽ có hai phòng trưng bày các bộ sưu tập cổ vật về văn hóa ẩm thực được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Liễu Quán và nhà Tả Vu (Đại Nội).
Festival Nghề truyền thống lần này cũng có nhiều hoạt động cộng đồng như các em học sinh phổ thông trung học sẽ tổ chức ngày hội "Chúng em cùng vào bếp," các đôi vợ chồng thi trổ tài "Bữa ăn hạnh phúc," thành Đoàn Huế tổ chức "Đi bộ vì màu xanh quê hương," các nghệ sĩ nhiếp ảnh Huế triển lãm ảnh nghệ thuật về ẩm thực, cây xanh và nhà vườn… Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV-2011 được khép lại với chương trình tôn vinh các nghệ nhân ẩm thực và cây cảnh.
Theo ông Ngô Hòa, đây là thời gian cao điểm của mùa du lịch, nhất là du lịch nội địa nên sẽ rất thích hợp để quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế đối với du khách trong và ngoài nước./.
Quốc Việt (Vietnam+)