Fitch bất ngờ hạ 3 bậc tín nhiệm với Tây Ban Nha

Cơ quan tín nhiệm quốc tế Fitch đã bất ngờ hạ 3 bậc tín nhiệm đối với Tây Ban Nha, quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ do khủng hoảng.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã bất ngờ hạ 3 bậc tín nhiệm đối với Tây Ban Nha, quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do cuộc khủng hoảng trong khu vực ngân hàng.

Trong thông báo ra ngày 7/6, Fitch cho biết đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha từ A xuống BBB và đặt triển vọng kinh tế nước này trong tình trạng "tiêu cực". Điều này đồng nghĩa với việc Madrid có thể tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm trong những tháng tới.

Việc Fitch đánh tụt 3 bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha xuống BBB - mức được coi là thấp nhất (chỉ trên mức "vỡ nợ" 2 bậc) so với đánh giá của các định chế đánh giá tín nhiệm quốc tế khác, gồm Moody's và S&P, có thể khiến nhiều nhà đầu tư trong nước buộc phải bán tháo nhiều bất động sản và một kịch bản như vậy có thể đẩy Tây Ban Nha rơi vào tình trạng giống Hy Lạp.

Bên cạnh đó, quyết định của Fitch cũng phản ánh sự cần thiết hơn bao giờ hết phải tái cơ cấu và tái huy động vốn cho khu vực ngân hàng Tây Ban Nha, với số tiền ước tính khoảng 60-100 tỷ euro.

Trước tình trạng hết sức nguy kịch, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố châu Âu sẵn sàng hành động nhằm đảm bảo ổn định tại Khu vực đồng euro (Eurozone).

Phát biểu sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Anh David Cameron tại Berlin ngày 7/6, bà Merkel khẳng định Đức luôn sẵn sàng hợp tác cùng với 16 nước thành viên Eurozone làm mọi việc cần thiết để giúp Tây Ban Nha thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Đề cập đến quỹ cứu trợ - Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro, bà Merkel một lần nữa nhấn mạnh rằng châu Âu đã tạo ra những công cụ để hỗ trợ trong Eurozone và Đức sẵn sàng sử dụng những công cụ này vào bất kỳ thời điểm nào cần thiết.

Nếu Tây Ban Nha quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua kế hoạch tái cơ cấu khu vực ngân hàng cùng những khoản nợ nằm trong bất động sản và vay tồn đọng, Đức sẽ đề nghị huy động tiền từ ESM, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 7 tới.

Chia sẻ lập trường này, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jean-Claude Juncker cũng tuyên bố Eurozone sẵn sàng trợ giúp các ngân hàng của Tây Ban Nha, nếu Madrid yêu cầu.

Mặc dù nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ bên ngoài, Tây Ban Nha vẫn khẳng định có thể gom tiền từ các thị trường tín dụng cũng như huy động đủ tiền mặt cần thiết (cho dù với lãi suất cao) để cứu các ngân hàng đang trên bờ vực phá sản.

Hiện Madrid đã huy động được 2,1 tỷ euro từ việc phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất 6% đối với kỳ hạn 10 năm, cao hơn so với mức lãi 5,74% hồi tháng trước, và là mức cao nhất kể từ năm 1998.

Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết ông sẽ đợi kết quả kiểm toán độc lập đối với hệ thống ngân hàng trước khi đàm phán với châu Âu về giải pháp tái huy động vốn cho ngân hàng gặp khó khăn.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến sẽ công bố vào ngày 11/6, các ngân hàng Tây Ban Nha cần ít nhất 40 tỷ euro cho kế hoạch tái huy động vốn của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục