G-20 bất đồng vai trò nhà nước trong khủng hoảng

Trước lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20, giới tài chính vẫn bất đồng về vai trò nhà nước trong khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế.
Trước lề cuộc gặp thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), giới tài chính thế giới đang dấy lên cuộc tranh luận về vai trò của nhà nước trong việc khắc phục các hậu quả của khủng hoảng toàn cầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi, các thị trường chứng khoán bắt đầu ổn định, cùng với sự phát triển bền vững ở các nước châu Á, xuất hiện kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tự khôi phục.

Điều này cũng có nghĩa là, nhà nước đã có thể chấm dứt các chương trình hỗ trợ kinh tế, chống khủng hoảng.

Trong khi Đức và Pháp đưa ra đề xuất chấm dứt chương trình hỗ trợ kinh tế, Anh và Nga cho rằng mạo hiểm lớn nhất trong quá trình khôi phục kinh tế là nghĩ rằng mọi việc đã hoàn thành.

Bộ trưởng Tài chính Anh Alister Darling khẳng định: "Thế giới đang đứng tại vạch mốc nguy hiểm, phía trước còn rất nhiều trở ngại, vì vậy không một quốc gia nào được quyền buông lỏng."

Cùng chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đặt ra vấn đề khắc phục khủng hoảng mà không để lại những hậu quả đau đớn.

Theo ông Lavrov, rút kinh nghiệm từ kịch bản xảy ra trong thập niên 30 của thế kỷ trước, khi làn sóng khủng hoảng thứ hai diễn ra do nhà nước rút lui khỏi các chương trình hỗ trợ kinh tế quá sớm, thì nay thế giới cần phải tập trung ý chí chính trị, để các nỗ lực của G-20 không chỉ kết thúc bằng “một cuộc hạ cánh an toàn” của hệ thống tài chính hiện hành, mà phải đặt cơ sở cho một cuộc cải cách triệt để, tương ứng với sức mạnh kinh tế thế giới.

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn, cho rằng các nước thuộc nhóm G-20 phải thận trọng trong nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế.

Ông Kahn cảnh báo các nhà lãnh đạo không nên cắt giảm quá sớm các biện pháp đó. Ông Kahn nói: "Các nhà hoạch định chính sách có thể làm cản trở nỗ lực phục hồi nếu ngưng quá sớm các biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, nay là thời điểm tốt để giới hoạch định chính sách bàn về chiến lược ngừng các chương trình hỗ trợ".

Một vấn đề nổi trội khác chi phối hội nghị bộ trưởng tài chính G-20 là vấn đề tiền thưởng trong khu vực ngân hàng, bất đồng nổi lên giữa một số nước châu Âu và Mỹ.

Trong khi Pháp và Đức cho rằng nên đặt mức trần cho các khoản tiền thưởng, Mỹ và Anh phản đối đề xuất đặt mức trần đơn giản cho các khoản tiền thưởng.

Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 diễn ra vào ngày 24-25/9 tại Pittsburg, Mỹ, Hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm G-20 họp trong hai ngày 4 và 5/9 tại London đã đặt ra một chương trình nghị sự khá đồ sộ với phần thảo luận tập trung vào 3 vấn đề lớn gồm những biện pháp khôi phục nền kinh tế thế giới; cải tổ hệ thống ngân hàng và thành lập một trật tự tài chính toàn cầu mới.

Tại hội nghị, đại diện các nước G-20 nhất trí rằng tình hình kinh tế thế giới hiện nay khá hơn nhiều so với thời điểm G-20 họp hội nghị thượng đỉnh tháng 4/2009, tuy nhiên, nhóm này cho rằng hiện vẫn là quá sớm để tuyên bố "kết thúc" cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các bộ trưởng tài chính kêu gọi các đối tác trong G-20 tận dụng cơ hội hiện nay để thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới nhằm loại bỏ những yếu kém mang tính hệ thống, được coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất trong gần 80 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục