G20 cẩn trọng với tuyên bố "thắng" khủng hoảng

Mặc dù có những đánh giá lạc quan tình hình kinh tế thế giới, song các nước G20 vẫn cẩn trọng về tuyên bố "chiến thắng" khủng hoảng.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và đang nổi lên (G20) sẽ nhóm họp vào ngày 4/9, tại London, Anh.

Cuộc họp diễn ra nhằm đánh giá tình hình kinh tế thế giới, tác dụng của các gói kích cầu, việc đóng góp thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa nhằm đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng toàn diện.

Theo nguồn tin từ Chính phủ Anh, các nước G20 đã nhất trí cho rằng tình hình kinh tế thế giới hiện nay khá hơn nhiều so với thời điểm G20 họp hội nghị thượng đỉnh tháng 4/2009 và những chuyển biến tích cực này là kết quả của việc áp dụng các gói kích thích kinh tế đồng loạt ở các nước.

Tuy nhiên, nhóm này cho rằng hiện vẫn là quá sớm để tuyên bố "chiến thắng" và cần tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế cũng như tăng cường các hình thức phối hợp chung.

Đặc biệt khi các nước quyết định giảm bớt các biện pháp, chủ yếu là rót tiền và hỗ trợ các ngân hàng, do thấy không còn cần thiết nữa.

Bộ trưởng tài chính 27 nước Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp ngày 2/9 cũng nhận định giai đoạn khó khăn nhất của cuộc suy thoái ở 16 nước sử dụng đồng euro đã qua, song bác bỏ khả năng sớm chấm dứt các chính sách hỗ trợ tiền tệ và tài chính cho khu vực này.

Chính phủ một loạt nước trên thế giới đã chi hàng nghìn tỷ USD trong các gói kích thích kinh tế, song hiện nay đang nổi lên vấn đề là khi nào và làm thế nào để chấm dứt hình thức hỗ trợ này cho phù hợp.

Ngoài ra cũng có những câu hỏi lớn về sự tăng trưởng trở lại đã bền vững chưa và ở quy mô ra sao? Các nền kinh tế có thể sẽ lại rơi vào suy thoái nếu chấm dứt các biện pháp kích thích quá sớm, song nếu duy trì quá lâu, sức ép lạm phát sẽ lại gia tăng.

Tại cuộc họp ngày 4/9, các bộ trưởng G20 sẽ đánh giá tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và hệ thống ngân hàng sau hai năm bị khủng hoảng.

Cuộc họp cũng sẽ thảp luận việc thúc đẩy một thỏa thuận để các nước có nền kinh tế đang nổi lên có tiếng nói lớn hơn ở IMF.

Một vấn đề nữa được đưa ra bàn thảo đó là vấn đề đóng góp 75 tỷ USD của châu Âu cho một quỹ cứu trợ của IMF và nước chủ nhà hy vọng sẽ thuyết phục các nước châu Âu đóng góp thêm cho quỹ này.

Cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng ngày 4/9 là để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Mỹ cuối tháng này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục