G-20: Cuộc đấu trí vì tương lai kinh tế toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra trong hai ngày 11-12/11 tại Seoul sẽ là một cuộc đấu trí cam go nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đưa con tàu kinh tế vượt qua sóng gió.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận bốn nội dung chính: tỷ giá hối đoái, xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, cải cách IMF và vấn đề phát triển.

Diễn ra trong bối cảnh tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại và thị trường tài chính toàn cầu có những biến động mạnh, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra trong hai ngày 11-12/11 tại Seoul (Hàn Quốc) sẽ là một cuộc đấu trí cam go nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đưa con tàu kinh tế vượt qua sóng gió.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận bốn nội dung chính: tỷ giá hối đoái, xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và vấn đề phát triển.

Việc các nhà lãnh đạo Nhóm G-20 cùng ngồi lại với nhau vào thời điểm hiện nay là điều hết sức quan trọng bởi khủng hoảng không phải là vấn đề mà một quốc gia có thể tự giải quyết được và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nước không hợp tác với nhau mà chỉ hành động một cách riêng rẽ.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ do các nước đua nhau giữ đồng nội tệ yếu để tìm kiếm lợi thế xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm.

Những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tăng giá đồng Nhân dân tệ có thể phủ bóng đen lên hội nghị. Căng thẳng tiền tệ toàn cầu thậm chí có dấu hiệu gia tăng sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiến hành đợt mua trái phiếu mới trị giá 600 tỷ USD nhằm trấn an người dân rằng nền kinh tế Mỹ vẫn ổn.

Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích FED phớt lờ những hậu quả của động thái trên đối với nền kinh tế toàn cầu. Một số nước lo ngại rằng việc in tiền của FED có thể làm suy yếu đồng USD, đẩy giá hàng hóa lên cao và gây ra làn sóng đầu tư không thể kiểm soát vào các thị trường đang nổi.

Nếu không làm dịu bớt những căng thẳng này, G-20 có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng chia rẽ và nền kinh tế thế giới dễ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Đây là một thách thức lớn đối với G-20.

Việc hình thành hệ thống an toàn tài chính toàn cầu nhằm phòng, chống sự tái diễn khủng hoảng tiền mặt cũng như sự sụp đổ hệ thống tài chính quốc tế là một trong những nhiệm vụ cấp bách và khó khăn, đòi hỏi các nước G-20 phải quyết tâm mạnh mẽ và nỗ lực vượt bậc.

Song song với đó, các nước G-20 cần thực hiện cải cách cơ cấu tài chính quốc tế và đẩy mạnh hoạt động giám sát các tổ chức tài chính lớn, vì điều đó mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn, giúp giải quyết sự mất cân bằng toàn cầu.

Một trong những trọng tâm của cải cách là mở rộng sự tham gia của các nước mới nổi và đang phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính toàn cầu.

Ngay trước thềm hội nghị, Ban Giám đốc IMF đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng các nước G-20 về cải tổ IMF, theo đó trao thêm quyền bỏ phiếu cho các nền kinh tế mới nổi.

Quyết định lịch sử của IMF có thể tạo cơ sở cho thành công của Hội nghị thượng đỉnh G-20 vì các nền kinh tế mới nổi sẽ có tiếng nói lớn hơn trong các các vấn đề kinh tế toàn cầu, tương xứng với sự lớn mạnh về kinh tế của họ.

Trên thực tế, việc Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia châu Á và lần đầu tiên do một nước không thuộc Nhóm các nước phát triển (G-7) đứng ra tổ chức, đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của các nền kinh tế mới nổi, đồng thời cho thấy trọng tâm của kinh tế thế giới đang dịch chuyển về châu Á.

Một điểm đáng chú ý tại hội nghị là "Sáng kiến Hàn Quốc", đặc biệt là vấn đề phát triển, theo đó các nước phát triển sẽ chuyển từ trợ giúp tài chính sang tăng cường tiềm năng tăng trưởng cho các nước đang phát triển.

Tổng thống Lee Myung-bak cho rằng các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại các nước kém phát triển và giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình.

Kế hoạch hành động cần bao gồm các biện pháp đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo và hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của các nước này bởi điều đó sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và xây dựng vào việc thảo luận những vấn đề thuộc chương trình nghị sự quan trọng về phát triển, chuyển tải những quan điểm chung của ASEAN tới các nhà lãnh đạo G-20, đồng thời đề xuất những sáng kiến hữu ích nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước G-20 với ASEAN cũng như với các nước ngoài nhóm.

Dư luận kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này sẽ đạt được những kết quả cụ thể để có thể giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nền kinh tế toàn cầu, qua đó nâng cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong các vấn đề quốc tế để G-20 thực sự trở thành một trong những cơ chế hợp tác quốc tế hữu hiệu trong việc điều hành nền kinh tế toàn cầu, ngăn chặn khủng hoảng và đối phó với khủng hoảng./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục