Ngày 24/2, lãnh đạo các nước thuộc Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành họp kín trực tuyến để thảo luận về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.
G7 gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.
Dự kiến tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thống nhất các phản ứng chung trước diễn biến căng thẳng hiện nay tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại đây.
Trước đó, các nước thành viên G7 đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
[Ukraine: Máy bay quân sự An-26 rơi ở ngoại ô Kiev, 5 người thiệt mạng]
Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản dự kiến áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính của Nga cũng như hạn chế xuất khẩu, trong khi Mỹ cũng đề nghị áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và công nghệ cao của Nga.
Nhà Trắng cho biết trước cuộc họp G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Ukraine.
Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ và các đồng minh cùng đối tác sẽ có phản ứng một cách thống nhất và quyết đoán trước những động thái của Nga tại miền Đông Ukraine.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 24/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moskva luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng vẫn còn cơ hội để quay trở lại các nghĩa vụ quốc tế.
Hãng tin Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng các biện pháp mà Moskva thực hiện ở Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh cho người Nga.
Ông nêu rõ khi Nga thực hiện các biện pháp mà Tổng thống Vladimir Putin đã công bố để đảm bảo an ninh của đất nước và người dân Nga, Moskva chắc chắn sẽ luôn sẵn sàng tiến hành đối thoại./.