Ngày 26/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo mới cho thấy các nỗ lực nhằm cải thiện thu nhập của những hộ dân nghèo nhất thế giới đã giúp đỡ gần 92 triệu người tại 75 quốc gia.
Các chương trình giảm nghèo giúp đỡ người dân thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực bằng cách kết hợp trợ cấp tiền mặt hoặc sản phẩm và dịch vụ, đào tạo và sử dụng nguồn vốn. Báo cáo của WB chỉ ra các chương trình này đã tăng mạnh chưa từng thấy trong vài năm trở lại đây.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến hơn 100 triệu người rơi vào tình cảnh nghèo cùng cực, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này tăng trong 2 thập kỷ qua. Hiện tại, thế giới có khoảng 700 triệu người thuộc diện nghèo cùng cực, có mức sống dưới 1,9 USD/ngày.
Giám đốc quản lý Chính sách Phát triển và Đối tác của WB Mari Pangetsu nhận định một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển là việc thay đổi theo hướng tích cực cuộc sống của những người nghèo cùng cực và dễ bị tổn thương - một vấn đề ngày càng cấp thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
[WB: Triển vọng kinh tế thế giới có thể chưa ổn định trong năm 2021]
Bà Pangetsu cho biết báo cáo mới đã điểm lại một cách hệ thống các chương trình kinh tế toàn diện trên thế giới và chỉ ra cách thức để các chính phủ có thể đầu tư hiệu quả nhất cho công tác bảo trợ xã hội, việc làm và tài chính toàn diện.
Được triển khai trong suốt năm 2020, báo cáo đã xem xét hơn 200 chương trình tại 75 nước, trong đó chủ yếu là các chương trình hợp tác giữa chính phủ và các cơ quan quốc tế. Kết quả cho thấy các chính phủ trên thế giới đã không ngừng mở rộng quy mô sáng kiến kinh tế toàn diện, thông qua mạng lưới an toàn xã hội và nhiều chương trình tập trung giúp đỡ phụ nữ.
Ông Shameran Abed, quản lý cấp cao thuộc tổ chức phát triển quốc tế BRAC tại Bangladesh cho biết các sáng kiến được kỳ vọng tạo "nguồn động lực lớn," giúp những người nghèo nhất được tham gia các hoạt động kinh tế, thông qua các hoạt động can thiệp như cố vấn và hỗ trợ thu nhập.
Ông Abed cho biết chỉ trong 2 năm, các chương trình đã thực sự đưa những người nghèo đến lộ trình thoát nghèo bền vững, đồng thời khẳng định trong thế giới hậu COVID-19, các chương trình cần cung cấp sinh kế vững chắc cho người dân.
Báo cáo cũng nhấn mạnh các thách thức chính trong việc mở rộng can thiệp nhằm hỗ trợ nhiều người hơn, bao gồm tập trung vào tài chính bền vững và tiếp cận những người cần được giúp đỡ nhất.
Theo ông Michal Rutkowski, giám đốc toàn cầu của WB về Bảo trợ Xã hội và Việc làm, trong nhiều năm các tổ chức chưa đủ am hiểu về chi phí và hiệu quả của các chương trình giảm nghèo.
Ông cho rằng với các dẫn chứng trong báo cáo, các tổ chức sẽ hành động nhanh hơn để giúp đỡ nhóm đối tượng này./.