Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong gần hai tháng nhờ đồng rupee tăng giá, tuy nhiên nhu cầu giảm do người mua chọn những nơi bán khác có mức giá rẻ hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 360-365 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ cuối tháng 7/2021, tăng so với mức 358-363 USD/tấn trong tuần trước.
Đồng rupee đã tăng khoảng 0,7% kể từ đầu tháng này, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu khiến họ tăng giá bán tính theo đồng USD.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh cho biết một số khách hàng đã tìm mua gạo của Myanmar và Pakistan giữa lúc hai nước này đang chào bán gạo với mức giá cạnh tranh.
Tuy nhiên, gạo Ấn Độ có thể chiếm tới 45% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu trong năm 2021, nhờ vào năng lực xử lý hàng hóa tại cảng tăng lên, cho phép nước trồng lúa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc này vận chuyển khối lượng kỷ lục cho những người mua trên khắp châu Phi và châu Á.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 410-420 USD/tấn so với mức 400 USD/tấn trong tuần trước đó do nhu cầu tăng lên.
Tuy nhiên, một thương nhân tại tỉnh An Giang ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nguồn cung từ Việt Nam vẫn gặp trở ngại do thiếu container và hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19. Theo thương nhân này, nhiều nhà xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công để xử lý việc vận chuyển và xuất khẩu gạo.
[Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái Lan, Ấn Độ ít biến động]
Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 8/2021 đã tăng 7,4% so với tháng trước ở mức 499.033 tấn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 380-393 USD/tấn trong ngày 16/9 so với mức 380-402 USD/tấn một tuần trước đó.
Các thương nhân tại Bangkok cho biết thị trường vẫn trầm lắng trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Một thương lái cho biết trời mưa tạo thuận lợi cho mùa màng, nguồn cung tốt nhưng không có người mua. Do vậy, chính phủ nên đưa ra một số biện pháp để hỗ trợ nông dân và các nhà xuất khẩu gạo.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá kỳ hạn các mặt hàng nông sản trên thị trường Mỹ giảm trong phiên giao dịch 17/9, dẫn đầu là đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 2,25 xu Mỹ (0,42%) xuống 5,2725 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 12 xu Mỹ (0,93%) xuống 12,84 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 giảm 4,25 xu Mỹ (0,6%)xuống 7,0875 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo Trung Quốc đã đặt hàng 132.000 tấn đậu tương Mỹ trong ngày 17/9. Trung Quốc sẽ nghỉ Tết Trung thu vào ngày 20 và 21/9.
Vào cuối tuần tới, Mỹ sẽ tiến hành thu hoạch khoảng 25-30% vụ ngô và năng suất dự kiến sẽ thấp hơn. Trong bối cảnh nguồn dự trữ lúa mỳ thế giới thắt chặt, năng suất ngô thấp hơn và nhu cầu đậu tương Mỹ từ Trung Quốc tăng lên, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) bày tỏ hy vọng xu hướng này sẽ không kéo dài.
Ngoài ra, dự báo thời tiết ở phần lớn khu vực Trung Tây sẽ khô hơn. Việc thu hoạch có thể diễn ra suôn sẻ vào tuần đầu tiên của tháng Mười.
Thị trường càphê thế giới
Giá càphê Arabica giảm trở lại do Brazil đã có mưa đầu mùa, trong khi giá càphê Robusta lại tăng vọt, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 4 năm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta giao ngay tháng 11/2021 trên sàn ICE Europe-London tăng thêm 44 USD, lên 2.151 USD/tấn. Trái lại, giá càphê Arabica giao ngay tháng 12/2021 trên sàn ICE US-New York đảo chiều giảm1,75 xu Mỹ, xuống 186,40 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg).
Tại thị trường Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 400-500 đồng, lên dao dộng trong khung 41.000-41.700 đồng/kg./.