Gặp gỡ hai chàng trai "vàng" của môn Vật lý quốc tế

Cùng niềm vui của các đoàn học sinh VN dự thi quốc tế, một lần nữa, tên Nguyễn Phi Long và Bùi Quang Tú lại nóng trên các diễn đàn.
Vào những ngày đầu tháng Bảy này, tin vui liên tiếp về thành tích của các đoàn học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi quốc tế được báo về với nhiều tấm huy chương vàng, bạc, đồng đã mang vinh dự cho Việt Nam từ các môn tin học, vật lý, khoa học kỹ thuật...

Trong đó có thành tích đáng tự hào của đoàn học sinh dự thi Olympic Vật lý quốc tế, tại Đan Mạch với hai huy chương vàng, một huy chương bạc và huy chương đồng. Một lần nữa, những cái tên Nguyễn Phi Long, Bùi Quang Tú lại nóng lên trên các diễn đàn trong niềm tin yêu, tự hào của bạn bè, thầy cô với những thành tích các em đạt được từ những mùa thi trước, Olympic Vật lý quốc tế 2012 hay giải Vật lý châu Á 2013.

Bùi Quang Tú lớn lên trong một gia đình công chức bình dị điển hình ở Hà Nội. 12 năm học phổ thông, gia tài lớn nhất em nhận được từ gia đình, trường lớp là ý thức học, học nhiều hơn nữa mà không tự kiêu, không chủ quan. Em luôn lắng nghe, tìm tòi và quý trọng những điểm hơn mình ở bạn bè, thầy cô để không ngừng nỗ lực, học hỏi.

Với tâm trạng thoải mái, tinh thần học hỏi, Tú bước vào những kỳ thi quốc tế như việc thông thường phải gặp trên con đường học hành, không hề đặt ra áp lực giải thưởng. Có lẽ nhờ vậy, Tú giành các huy chương vàng Olympic Vật lý châu Á, rồi Olympic Vật lý quốc tế như những điều giản dị tựa như điểm 10 bài kiểm tra ở lớp hàng ngày.

Không vùi đầu vào học, chàng trai Vàng của Vật lý Việt Nam chia sẻ rằng chỉ học khi nào thấy hứng thú vì “có hứng thú thì học mới hiệu quả.” Hàng ngày, Tú vẫn cùng em trai giúp đỡ bố mẹ việc nhà, tham gia các hoạt động thể thao như bóng bàn, cầu lông…

Trái ngược với môi trường thành thị đông đúc của Bùi Quang Tú, Nguyễn Phi Long là chàng trai đã vượt qua nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi xa xôi để đến với đội tuyển quốc gia. Hành trang bốn huy chương vàng và bạc ở các kỳ thi vật lý quốc tế, khu vực của em đã làm tươi mới cách nhìn về giáo dục ở những vùng cao. Không chỉ đam mê học và phấn đâu cho bằng các bạn lớn lên ở những nơi được tập trung sự học, trong nhiều năm qua, Long còn ấp ủ dự định theo đuổi ngành vật lý ứng dụng và muốn trở thành một nhà khoa học giỏi trong tương lai.

Với Long, học tập ở đâu không quan trọng bằng việc học như thế nào. Do vậy, Long đã lựa chọn học ở trường tại tỉnh Sơn La thay vì học tại một trường chuyên tại Hà Nội. Với sự động viên từ gia đình, bạn bè, Long đã góp phần chứng minh chất lượng giáo dục vùng cao không hề thua kém so với giáo dục các nơi khác.

Thành tích học tập đáng nể suốt một quá trình dài ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, sức vươn bền bỉ để vượt qua bối cảnh nội tại giúp sánh vai với tài năng hội tụ từ năm châu, Nguyễn Phi Long, Bùi Quang Tú và tất cả học sinh đã đạt thành tích trong những kỳ thi học sinh giỏi quốc tế chính là điển hình thành quả của chủ trương phát triển giáo dục mũi nhọn dựa trên nền tảng chất lượng giáo dục phổ thông vững chắc.

Trong tương lai, trên cơ sở đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2020” đã được Chính phủ phê duyệt cùng với những chính sách bồi dưỡng ngoại ngữ, chăm sóc đời sống cụ thể của ngành giáo dục và đào tạo, các em đoạt giải quốc tế sẽ tiếp tục được đào tạo để sau này trở thành người phục vụ Tổ quốc trong các lĩnh vực thành công của mình.

Dưới mỗi mái nhà, những ngọn đèn thắp sáng sự học vẫn đêm ngày sáng lên. Trong những trái tim người cha, người mẹ và lòng mong mỏi của cả một nền giáo dục toàn dân, những tấm gương không ngừng cố gắng vươn lên vẫn luôn được cổ vũ và truyền ước mong hướng đến một ngày mai bừng sáng./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục