Gặp những nữ nhân chứng tham gia chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không'

Trong những ngày tháng ác liệt của tháng 12/1972, hàng ngàn tấm gương sáng ngời, những “bông hồng thép” của phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu chiến công thầm lặng trong sản xuất và chiến đấu.
Gặp những nữ nhân chứng tham gia chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không' ảnh 1Tự vệ Thủ đô sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bầu trời tháng 12/1972. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không," sáng 15/12, tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, quận Ba Đình, Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức chương trình Giao lưu nhân chứng lịch sử "Một thời máu và hoa."

Đây là buổi giao lưu, gặp gỡ những nữ nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch 12 ngày đêm chiến đấu với cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh khẳng định sau 50 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không."

Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm, tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ.

[Trưng bày 500 tư liệu tiêu biểu ở Triển lãm “Điện Biên Phủ trên không"]

Bà Lê Kim Anh nhấn mạnh góp công vào chiến thắng chung của quân dân Hà Nội có sự cống hiến, hy sinh của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô.

Trong những ngày tháng ác liệt của tháng 12/1972, hàng ngàn tấm gương sáng ngời, những “bông hồng thép” của phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu chiến công thầm lặng trong sản xuất, bảo vệ sản xuất, trong chiến đấu, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm; cưu mang, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống… 45% phụ nữ đã tham gia vào lực lượng dân quân, 35% vào lực lượng tự vệ biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ.

Các Chi hội phụ nữ đường phố đã thành lập 275 tổ phục vụ chiến đấu. Tiêu biểu như Đại đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh), Trung đội nữ tự vệ Nhà máy dệt 8/3, Đại đội nữ Hợp tác xã dệt Thành Công, Đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu…

Được chuẩn bị về tinh thần và tư tưởng, chị em cùng anh em lực lượng bán vũ trang đã chuyên cần luyện tập, cùng với lực lượng phòng không tạo nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô…

Tại chương trình, Ban tổ chức đã mời các nữ nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chia sẻ những ký ức trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt cách đây 50 năm.

Đó là bà Chu Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội). Bà đã trực tiếp chỉ đạo nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ cuộc chiến đấu, đồng thời là một tấm gương sáng điển hình cho phong trào “Ba đảm đang,” không những trong thời chiến mà cả trong thời bình.

Với những nỗ lực của bản thân, bà Chu Thị Tịnh đã vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu Chiến thắng B52, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Còn bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động, chỉ nặng khoảng 45kg, sức khỏe không tốt nhưng vẫn vác quả đạn 100 ly nặng hơn 40kg trên vai băng băng trên trận địa.

Bà cũng là người đã điều khiển khẩu 14,5 ly bắn rơi tại chỗ máy bay F111 - loại máy bay “cánh cụp, cánh xòe” hiện đại bậc nhất lúc đó vào đêm 22/12/1972.

Bà Viễn chính là người được nhắc đến trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu trong dịp thăm trận địa năm đó.

Gặp những nữ nhân chứng tham gia chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không' ảnh 2Khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) bị máy bay B.52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). Bom đạn Mỹ đã giết và làm bị thương 2.579 người, trong đó có 1.318 người chết. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Trong câu chuyện của bà Trần Thị Bảy, nguyên Chi hội trưởng phụ nữ, dân quân trực chiến trực tiếp tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, hình ảnh về một Hà Nội năm ấy hiện ra đầy hiên ngang, bất khuất bước vào cuộc chiến sinh tử 12 ngày đêm với tinh thần yêu nước sục sôi. Những người phụ nữ vốn được coi là “chân yếu, tay mềm” đã gan dạ, kiên cường, dũng cảm trực tiếp tham gia chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội.

Trong khuôn khổ chương trình, nhằm thể hiện tình cảm và tỏ lòng kính trọng trước tinh thần chiến đấu anh dũng của những người lính, người dân của Thủ đô mùa Đông năm 1972, Ban tổ chức đã dành tặng 10 phần quà cho 10 nữ nhân chứng đại diện thế hệ nữ chiến sỹ, dân quân, tự vệ trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trong trận chiến "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục