GDP bình quân đầu người năm 2016 ước tính đạt 48,6 triệu đồng

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước lại gặp nhiều khó khăn về thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, thì mức GDP đạt 6,21% là một thành công".
GDP bình quân đầu người năm 2016 ước tính đạt 48,6 triệu đồng ảnh 1Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống phát biểu tại Họp báo Công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2016. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tăng 6,21% so với năm 2015, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê mặc dù mức tăng trưởng này thấp hơn so với năm 2015 (6,68%) và không đạt chỉ tiêu đề ra (6,7%), nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước lại gặp nhiều khó khăn về thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, thì mức GDP đạt được là một thành công.

“Kết quả trên khẳng định chính sách điều hành đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành và địa phương thực hiện,” ông Lâm nhấn mạnh.

Nông nghiệp khó khăn

Đóng góp vào mức tăng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36 và là mức thấp nhất kể từ năm 2011 (đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57% (trong khi mức tăng của năm ngoái là 9,64%), đóng góp 2,59 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.

GDP bình quân đầu người năm 2016 ước tính đạt 48,6 triệu đồng ảnh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi về thời tiết và sự cố môi trường biển tại các tỉnh Bắc Trung Bộ xảy ra vào cuối tháng Tư, gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất của khu vực này,” ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, quy mô nền kinh tế năm 2016 tính theo giá hiện hành đạt 4,5 triệu tỷ đồng, theo đó GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng (tương đương 2.215 USD và tăng 106 USD so với năm 2015). Như vậy trong cơ cấu nền kinh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,7%, khu vực dịch vụ chiếm 40,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04%.

Dưới góc độ sử dụng GDP năm nay, chỉ số tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm trước, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó riêng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư là 4,81 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, chỉ số tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm. Trong khi, chỉ số chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm mức tăng trưởng chung 2,16 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 (đơn vị %)

"Tăng tưởng 6,7% là cao"

Ông Lâm cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đặt ra trong năm 2017 là khá cao khi tình hình kinh tế thế giới biến động rất khó lường và tốc độ phục hồi vẫn chậm. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, năng suất lao động tăng chậm và đạt mức thấp trong khu vực, tình trạng nợ xấu và nợ công vẫn ở mức cao, khu vực ngân hàng còn nhiều rủi ro…

Theo đó, ​đại diện Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê có kiến nghị các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới cần chủ động và linh hoạt đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô.

“Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cần gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền,” ông Tuyến nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, ông Lâm đề xuất Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng sản xuất. Thêm vào đó, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước phải đi vào thực chất, công khai, minh bạch, tránh thất thoát tài sản Quốc gia./.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục