21 giờ đêm 30 Tết. Ga Hà Nội vắng vẻ hơn ngày thường. Những hành khách cuối cùng của chuyến tàu cuối cùng của năm cũ vội vã lên các toa đã thênh thang hơn ngày thường.
Đoàn hỏa xa vắt xuyên qua hai năm lặng lẽ mang trong mình rất nhiều cảm xúc.
Lê Thanh Huệ là nhân viên của Đoàn tiếp viên Phương Nam, anh chuẩn bị có cái Tết thứ 3 đằng đẵng trên tàu Thống Nhất. Đứng trước cửa toa đợi khách, Huệ trông buồn buồn. Không khí hối hả của ngày cuối năm Âm lịch dường như xa lạ hơn với những tiếp viên trên chuyến tàu SE3 như Huệ.
Mặc dù không phải Tết đầu tiên "nếm" vị tàu chạy xuyên năm mới, nhưng chuyến hỏa xa lần này lại vô cùng đặc biệt với chàng trai quê Bình Định.
Thoáng cười ngượng ngịu, Huệ cho hay: "Em vừa cưới vợ được hai tháng. Vợ em cũng là nhân viên phục vụ tàu tuyến Sài Gòn-Nha Trang. Đêm nay em đi từ Hà Nội vô thì bà xã cũng chạy từ Nha Trang lại."
Hai vợ chồng trẻ đón hai cái Tết riêng rẽ. Điểm duy nhất kết nối họ là tiếng bánh xe xiết vào ray kèn kẹt qua Giao Thừa...
Bước lên chuyến tàu muộn mằn cuối năm Âm, những chàng trai trẻ măng của Đoàn tiếp viên Phương Nam mang trong mình ngổn ngang tâm sự. Huệ bảo: Ngày anh về nhà trọ ở quận 12 thì vợ anh lại lên chuyến tiếp theo ra biển Nha Trang. Hai người như ngưu lang, chức nữ trong những ngày đáng ra họ được quây quần và sum họp.
"Cũng buồn với nhớ lắm, nhưng công việc nên hai đứa vẫn phải cố gắng anh à," Huệ lỏn lẻn cười, thoáng có chút buồn trong đáy mắt.
Là một trong những hành khách cuối bước lên toa xe của Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, anh Hai, quê tận Thanh Hóa không giấu nổi mệt mỏi.
Hai rời quê vào lập nghiệp tại Đà Lạt. Chiều tối 30, Hai mới quày quả bay từ thành phố Cao nguyên ra Hà Nội để bắt SE3-chuyến tàu sau chót của năm nay để về quê đón Tết.
"Năm nay là năm thứ hai em đi như này rồi. Nhớ nhà lắm, nhất là lúc Giao thừa," Hai chia sẻ.
May mắn hơn, những hành khách đi tuyến ngắn về ga Phủ Lý, Nam Định sẽ vừa kịp giờ để đón xuân sang. Nhưng, vào thời khắc năm cũ sắp khép lại, ai cũng bâng khuâng.
Phượng, cô điều dưỡng trẻ hơn 20 tuổi tỏ ra ngượng ngịu khi có người bỗng hỏi thăm. Do đặc thù công việc, năm nào, cô cũng đi trên đoàn tàu chạy xuyên đêm giao thời để về đón Tết. Phượng bảo: "Năm đầu có khi vừa đi vừa khóc, cả toa thì thênh thang ghế."
"Nhìn hai bên thoáng thấy đào quất là lại chạnh lòng," cô gái quê Nam Định hồi tưởng.
Năm nay, Phượng sẽ về nhà trước Giao thừa vài chục phút.
"Thế nên giờ em chỉ mong tàu chạy thật nhanh, để em về phá cỗ," Phượng thành thật.
Trên chuyến tàu đêm nay, những hành khách xa lạ sẽ tụ lại gần với nhau hơn. Bỏ qua số ghế, bỏ qua khoảng cách địa phương, vùng miền, những người lỡ về muộn sẽ có vài giờ đồng hồ để tâm sự đủ thứ chuyện Tết, chuyện quê.
Cứ thế, đoàn hỏa xa SE3 chạy vắt qua đêm 30 lạch cạch chuyển mình về Phương Nam...