Giá dầu biến động trái chiều phiên 28/11 trước dự đoán về OPEC+​

Khép phiên 28/11, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 96 xu Mỹ (1,3%) lên 77,24 USD/thùng, sau khi trước đó chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 ở mức 73,60 USD/thùng.
Giá dầu biến động trái chiều phiên 28/11 trước dự đoán về OPEC+​ ảnh 1Một cơ sở dự trữ dầu thô ở Lea, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới phiên 28/11 rời khỏi mức thấp nhất trong gần một năm nhờ cuộc đàm phán cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, bù đắp những lo ngại về các hạn chế COVID-19 tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Khép phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 96 xu Mỹ (1,3%) lên 77,24 USD/thùng, sau khi trước đó chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 ở mức 73,60 USD/thùng.

Giá dầu Brent biển Bắc giảm 44 xu Mỹ (0,5%), giao dịch ở mức 83,19 USD/thùng, sau khi giảm hơn 3% xuống 80,61 USD/thùng lúc đầu phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 4/1/2022.

[EU không tìm được tiếng nói chung về áp trần giá dầu của Nga]

Matt Smith, nhà phân tích dầu hàng đầu tại công ty cung cấp các giải pháp về thị trường hàng hóa Kpler (Mỹ) cho biết có đồn đoán rằng OPEC+ đã bắt đầu đưa ra ý tưởng về việc cắt giảm sản lượng vào ngày 4/12 tới.

Điều đó đã giúp bù đắp phần nào những tổn thất do cuộc biểu tình liên quan tới các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc gây ra.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ) ngày 28/11 cho hay nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc có thể thúc đẩy OPEC+ cắt giảm sản lượng sau khi giảm nguồn cung hồi tháng 10/2022.

Quyết định này sẽ phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu khi OPEC+ nhóm họp và mức độ gián đoạn rõ ràng trên thị trường do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/12 tới. Trong tháng 10/2022, nhóm này đã nhất trí giảm mục tiêu sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày cho đến năm 2023.

Bên cạnh đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nhà ngoại giao của EU đã thảo luận về mức giá trần đối với dầu của Nga trong khoảng từ 65-70 USD/thùng, với mục đích hạn chế doanh thu của Nga, nhưng không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu. G7 và EU dự kiến sẽ nhóm họp lại vào ngày 5/12 tới.

Hiện EU đang có sự chia rẽ về mức độ hạn chế giá dầu của Nga, trong đó tác động của hành động này có thể không mang lại hiệu quả.

Mức giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 khi lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga cũng có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục