Giá dầu châu Á đi lên nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,6% lên 23,13 USD/thùng, sau khi chạm mức 24,74 USD/thùng trước đó trong cùng phiên.
Giá dầu châu Á đi lên nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ ảnh 1Giá dầu thế giới đi lên. (Nguồn: politico)

Trong phiên giao dịch 13/4, giá dầu châu Á đi lên sau khi các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+, đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu.

Tuy nhiên, đà tăng của giá "vàng đen" đã bị hạn chế giữ lúc có những lo ngại rằng thoả thuận này chưa đủ để ngăn chặn tình trạng dư cung khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng đến nhu cầu.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 14 giờ 09 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,6% lên 23,13 USD/thùng, sau khi chạm mức 24,74 USD/thùng trước đó trong cùng phiên.

Còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,5% lên 31,64 USD/thùng, sau khi mở phiên tăng lên 33,99 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm hơn 50% kể từ mức đỉnh ghi nhận được hồi tháng 1/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới đình trệ và tác động đến nhu cầu nhiên liệu.

[OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày]

Sự bật tăng của giá dầu diễn ra sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020, sau bốn ngày đàm phán căng thẳng. Con số này tương đương 10% nguồn cung dầu toàn cầu.

Lãnh đạo các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc Vương Saudi Arabia Salman đều ủng hộ thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên.

Về phần mình, Tổng thống Trump đã hoan nghênh thoả thuận này, nói rằng nhiều việc làm trong ngành năng lượng Mỹ sẽ được "cứu."

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho hay Saudi Arabia, Kuwait và UAE tình nguyện cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với mức cam kết, qua đó có thể giúp nguồn cung của OPEC+ giảm khoảng 12,5 triệu thùng/ngày so với mức hiện nay.

Tuy nhiên, giới phân tích bày tỏ sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết của các nhà sản xuất. Hơn nữa, lo ngại về nhu cầu đang làm hạn chế đà tăng của giá dầu. Tiêu thụ nhiên liệu trên thế giới đã giảm gần 30% do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục