Trong phiên giao dịch chiều ngày 31/12, giá dầu trên thị trường châu Á giảm.
Tuy nhiên, "vàng đen" đang hướng đến mức tăng cao nhất kể từ năm 2016, nhờ sự lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và nỗ lực kiềm chế nguồn cung do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn dắt.
Vào lúc 14 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 15 xu Mỹ (hay 0,1%) xuống 66,52 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 19 xu Myz(0,3%) xuống 61,49 USD/thùng.
Tính đến thời điểm này của năm 2019 giá dầu Brent và dầu WTI đã lần lượt tăng khoảng 24% và 35%.
Đây là những mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, nhờ những tiến triển mang tính “đột phá” trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và cam kết cắt giảm nguồn cung dầu mỏ của OPEC và các đồng minh.
Mỹ và Trung Quốc đã "hạ nhiệt" cuộc chiến thương mại trong tháng này bằng việc thông báo đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, theo đó Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc tăng mua nông sản và các mặt hàng khác của Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay đang liên lạc chặt chẽ với Mỹ về việc ký kết thỏa thuận, và hai bên vẫn đang hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi ký kết.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho hay, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể được ký kết trong tuần tới.
Ngoài ra, một khảo sát của hãng tin Reuters dự báo dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 27/12 sẽ giảm khoảng 3,2 triệu thùng và sẽ là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu mỏ của tuần tính đến ngày 27/12 vào ngày 3/1 tới. Số liệu cuối tuần qua cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 20/12 giảm 5,5 triệu thùng.
Mới đây, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng Mỹ đang trên đà trở thành một nước xuất khẩu ròng năng lượng trên cơ sở hàng năm vào năm 2020, với sản lượng khai thác kỳ vọng tăng 930.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 13,18 triệu thùng/ngày./.