Giá dầu châu Á phiên 19/7 giảm sau thỏa thuận của OPEC+

Giá dầu giảm hơn 1% tại châu Á trong phiên sáng 19/7, do thỏa thuận gia tăng sản lượng đạt được cuối tuần qua của OPEC+, sau khi một thỏa thuận trước đó đã thất bại khi vấp phải sự phản đối từ UAE.
Giá dầu châu Á phiên 19/7 giảm sau thỏa thuận của OPEC+ ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Jubail, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm hơn 1% tại châu Á trong phiên sáng 19/7, do thỏa thuận gia tăng sản lượng đạt được cuối tuần qua của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sau khi một thỏa thuận trước đó đã thất bại khi vấp phải sự phản đối từ Các tiểu Vương quốc Arab Thống Nhất (UAE).

Vào lúc 7 giờ 37 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1 USD, hay 1,4%, xuống còn 72,59 USD/thùng, sau khi giảm gần 3% trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 94 xu Mỹ, hay 1,3%, và được giao dịch ở mức 70,87 USD/thùng, sau khi giảm gần 4% trong tuần vừa qua.

Các bộ trưởng OPEC+ ngày 18/7 đã nhất trí tăng sản lượng dầu từ tháng Tám tới nhằm kiềm chế đà tăng của giá dầu.

[OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ từ tháng Tám]

Trước đó trong tháng này, giá dầu đã có thời điểm chạm mức cao nhất trong khoảng hai năm rưỡi qua, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, OPEC+ đã đồng ý hạn ngạch sản lượng mới cho một số thành viên từ tháng 5/2022, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq.

Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, có trụ sở tại Canada, cho rằng thỏa thuận trên sẽ giúp trấn an thị trường rằng OPEC+ sẽ không tan rã, cũng như không tăng mạnh sản lượng quá sớm.

Năm ngoái, OPEC+ đã thực hiện mức cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, khi sự sụt giảm nhu cầu do tình hình đại dịch đã khiến giá dầu WTI có thời điểm rơi vào vùng âm. Sau đó, OPEC+ đã tăng dần nguồn cung lên, và mức giảm sản lượng chỉ còn khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.

Iraq hoan nghênh thỏa thuận tăng sản lượng của OPEC+ 

Iraq đã hoan nghênh thỏa thuận tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác được gọi là nhóm OPEC+ đã đạt được vào ngày 18/7.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Ihsan Abdul-Jabbar Ismail, trong phát biểu sau khi tham dự cuộc họp trực tuyến của OPEC+ cho biết Bộ này hoan nghênh sự hợp tác và cam kết của các nước trong nhóm. Điều này cho thấy nỗ lực nhằm vượt qua những thách thức mà thị trường dầu mỏ đang phải đối mặt.

Theo ông, cuộc họp đã tập trung vào việc tăng cường hợp tác tập thể, sự tuân thủ của các nước đối với thỏa thuận và diễn biến tích cực về nhu cầu dầu thô, bên cạnh việc lượng dự trữ và mức độ dư thừa dầu giảm. 

Theo thoả thuận, nhóm 23 thành viên OPEC+ sẽ nâng sản lượng kể từ tháng 8/2021 khi nhu cầu tăng và đạt thỏa thuận từng bước dừng cắt giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày như hiện nay vào tháng 9/2022 cho phù hợp với tình hình thị trường.

Năm ngoái, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày khi nhu cầu giảm sút do đại dịch và giá giảm. Mức cắt giảm giảm dần và hiện ở mức 5,8 triệu thùng/ngày.

OPEC+ cũng nhất trí tăng hạn ngạch sản lượng của một số thành viên từ tháng 5/2022, trong đó có Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq.

Hạn ngạch sản lượng của UAE sẽ tăng từ 3,168 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày, trong khi của Saudi Arabia và Nga tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày mỗi nước. Iraq và Kuwait sẽ cùng có mức tăng hạn ngạch là 150.000 thùng/ngày.

Do đó, từ tháng 5/2022, hạn ngạch sản lượng của của OPEC+ sẽ được điều chỉnh tăng từ mức 43,853 triệu thùng/ngày lên 45,485 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục