Giá dầu đứng trước nguy cơ "sốt" mới?

Giới phân tích dầu lửa hiện đang hốt hoảng sau phát biểu ngày 5/7, được cho là bật đèn xanh cho Israel tấn công Iran, của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo mạng "Time" (Mỹ) ngày 7/7, giới phân tích dầu lửa hiện đang hốt hoảng sau phát biểu ngày 5/7 của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, được đông đảo mọi người cho rằng đã bật đèn xanh cho Israel đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran.

Từ lâu, nhiều người trong ngành công nghiệp dầu lửa coi một cuộc tấn công như vậy là sự mở đầu của một cơn ác mộng trên các thị trường năng lượng toàn cầu, bởi vì Iran sẽ trả đũa bằng cách đánh chìm các tàu chở dầu tại eo biển Hormuz, phong tỏa tuyến đường vận chuyển dầu của vùng Vịnh đến các thị trường thế giới.

Ngày 5/7, Phó Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố rằng mặc dù Mỹ cho rằng hành động quân sự chống Iran sẽ không phục vụ lợi ích của Mỹ cũng như Israel, nhưng Israel là một quốc gia có chủ quyền và nếu cảm thấy bị Iran đe dọa, họ có "quyền" phát động cuộc tấn công chống Tehran mà "không cần chúng tôi đồng ý hay không".

Nhưng sau đó Chính quyền Obama vội vã thanh minh với những người cho rằng tuyên bố của Biden chứng tỏ Mỹ đồng ý và ra hiệu cho Israel phát động cuộc tấn công bằng không quân chống Iran.

Ngày 6/7, tại Mátxcơva, Tổng thống Obama nhắc lại tuyên bố phản đối hành động quân sự chống Iran và mong muốn một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc đối đầu hạt nhân. Thực tế, tuyên bố của ông Biden làm tình hình thêm phức tạp, bởi vì lâu nay các quan chức Mỹ thường tránh đưa ra các tuyên bố khiến Iran có thể hiểu rằng Washington bật đèn xanh cho Israel tấn công Tehran.

Ông Cliff Kupchan thuộc Tập đoàn Âu-Á, một cơ quan tư vấn rủi ro tại Oasinhtơn, nói: "Những lời nói đó làm tôi tưởng đây là một tuyên bố nằm trong kế hoạch". Ông Kupchan cảnh báo Iran có thể hiểu những nhận xét của ông Biden như "một mối đe dọa nhằm tăng sức ép... và Tehran có thể phản ứng quyết liệt".

Đáng chú ý khả năng tuyên bố của ông Biden đang tạo ra bầu không khí lo ngại trong giới phân tích dầu lửa, bởi vì họ lo ngại rằng phản ứng nhanh nhất của Iran trước mối đe dọa quân sự là làm gián đoạn việc vận chuyển dầu.

Hiện nay, ít nhất là 20% tổng nguồn cung cấp dầu lửa của thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz, nằm giữa Iran, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Oman. Do phần hẹp nhất của eo biển Hormuz chỉ rộng 29 dặm, Iran có thể coi việc đánh chìm các tàu dầu là biện pháp thích hợp để tiến hành trả đũa quân sự trực tiếp chống Israel, do hành động này có thể gây hậu quả lớn hơn.

Mặc dù các tàu chiến của Hải quân Mỹ nhanh chóng can thiệp để tiếp tục khai thông tuyến đường vận chuyển dầu, nhưng giới kinh doanh cũng như các thuyền trưởng tàu dầu không thể không lo sợ và chi phí vận chuyển dầu lửa sẽ tăng mạnh.

Ông David Fyfe, phụ trách các thị trường dầu lửa của Cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Paris - đại diện cho các nước công nghiệp tiêu thụ dầu lửa - nói: "Đây là một kịch bản mà bất cứ ai coi trọng vấn đề an ninh của các nguồn cung cấp cũng phải cân nhắc. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến 12 triệu thùng dầu/ngày".

Một số nhà phân tích cho rằng tác động lớn hơn có thể là tình trạng hoảng loạn của người tiêu dùng. Các lái xe, trung bình chỉ đổ 1/3 bình xăng, có thể vội vã đổ đầy bình xăng của họ, khiến nhu cầu xăng dầu tăng gấp ba. Chỉ riêng điều đó sẽ đẩy giá dầu lửa tăng chóng mặt. Tình trạng đầu cơ tích trữ xăng dầu của các nhà đầu tư cũng tăng mạnh, vì họ dự đoán các nguồn cung cấp xăng dầu sẽ giảm.

Ông Leo Drollas, phó giám đốc và cũng là kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu tại London, nói: "Giá dầu lửa sẽ tăng và nhiều người sẽ mua hàng giao sau". Tất cả điều đó có thể đẩy giá thị trường tăng vọt và làm trầm trọng hơn tình trạng suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, người ta vẫn cần chờ xem rằng liệu thị trường có được trấn an nhờ sự đảm bảo của Obama rằng hành động quân sự chống Iran không nằm trong chương trình của Mỹ hay không./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục