Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 12/9, sau khi xuất hiện các ý kiến trái chiều về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đồng thời, giá dầu cũng chịu sự chi phối khi các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không đưa ra quyết định nào về việc cắt giảm thêm nguồn cung trong cuộc họp ngày 12/9.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 0,71% xuống 60,38 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,18% xuống 55,09 USD/thùng.
Hãng tin Bloomberg mới đây cho hay, Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc, song theo nguồn tin từ CNBC, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã phủ nhận thông tin này.
Giá dầu phiên này còn bị chi phối bởi những bình luận từ tân Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Prince Abdulaziz bin Salman rằng sẽ không có bất kỳ quyết định chính thức nào về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu trước khi diễn ra cuộc họp vào tháng 12/2019 của liên minh các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC (còn gọi là OPEC+).
[Mỹ vượt Saudi Arabia, trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới]
Ủy ban Giám sát Thị trường do OPEC+ thành lập đã nhóm họp tại Abu Dhabi (UAE) ngày 12/9.
Tại đây, OPEC đã yêu cầu các nước thành viên sản xuất quá mức cam kết gồm Iraq và Nigeria tuân thủ hạn ngạch đưa ra theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô.
Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, cam kết giảm sản lượng 175.000 thùng/ngày vào tháng 10/2019, trong khi Nigeria cam kết cắt giảm 57.000 thùng/ngày./.