Giá dầu giảm tuần thứ hai liên tiếp do đồng USD mạnh lên

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua tiếp tục ghi nhận tuần sụt giảm thứ hai liên tiếp, trong đó giá hai hợp đồng dầu chủ chốt đã có những thời điểm chìm xuống các mức giá thấp nhất trong nhiều năm.
Giá dầu giảm tuần thứ hai liên tiếp do đồng USD mạnh lên ảnh 1Bơm xăng tại trạm bán xăng, dầu ở Lille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua tiếp tục ghi nhận tuần sụt giảm thứ hai liên tiếp, trong đó giá hai hợp đồng dầu chủ chốt đã có những thời điểm chìm xuống các mức giá thấp nhất trong nhiều năm.

Bức tranh ngày càng sáng lên của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - trong đó GDP quý 3 tăng mạnh ngoài dự kiến, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất sớm hơn dự kiến - cùng việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ khổng lồ để kích thích nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng, đã đẩy đồng bạc xanh mạnh lên trong rổ tiền tệ.

Đồng bạc xanh tăng giá khiến dầu mỏ - loại hàng hóa được giao dịch chủ yếu bằng USD - trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ những tiền tệ khác, kéo nhu cầu mua dầu giảm xuống, qua đó kéo giá dầu giảm theo.

Theo các nhà phân tích, đồng bạc xanh tăng giá là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá dầu giảm trong gần như tất cả các phiên trong tuần qua, ngoài hai phiên phục hồi nhẹ vào đầu tuần.

Ngoài ra, nỗi lo ngại dai dẳng về nguồn cung dư thừa, cùng triển vọng nhu cầu yếu đi do kinh tế thế giới còn đang trầy chật phục hồi, trong đó một số nền kinh tế lớn còn đang trong tình trạng thiểu phát hoặc suy thoái, cũng gây sức ép lên thị trường dầu mỏ.

Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Abdullah El-Badri trong tuần qua đã nhận định rằng, đà đi xuống hiện nay của giá dầu không phụ thuộc vào các điều kiện hiện tại của thị trường và cho biết trong năm 2015 tới, tổ chức này vẫn sẽ duy trì mức hạn ngạch sản lượng như hiện nay mà không có kế hoạch cắt giảm dù giá dầu đã giảm khá thấp.

Ông El-Badri cũng nhấn mạnh nguồn cung gia tăng không phải là nguyên nhân khiến giá dầu giảm xuống trong thời gian gần đây, bởi theo ông, nhu cầu về dầu cũng vẫn đang tăng lên.

Trong khi đó, trên thực tế, giá dầu đã giảm khoảng 25% kể từ giữa tháng Sáu tới nay, trong đó giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã có phiên giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm do nguồn cung gia tăng tại Mỹ.

Tương tự, nhu cầu dầu tại châu Âu cũng đã sụt giảm do tăng trưởng kinh tế yếu ớt tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đóng cửa phiên cuối tuần 31/10 trên thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2014 giảm tiếp 58 cent so với phiên trước, xuống chốt tuần ở 80,54 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 38 cent xuống chốt tuần ở 85,86 USD/thùng. Cả hai mức giá này đều thấp hơn các mức chốt của cách đó một tuần.

Trong tháng 10 này, giá dầu WTI đã có phiên tụt xuống mức thấp nhất trong hai năm và giá dầu Brent cũng có phiên tụt xuống mức thấp nhất trong bốn năm.

OPEC dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 27/11 tới tại Vienna (Áo) và tại phiên họp, tổ chức này sẽ có quyết định về việc có tăng hay không sản lượng bơm dầu ra thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục