Ngân hàng trung ương Nhật Bản bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ

Ngày 31/10, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp của Ban chính sách tại trụ sở BOJ ở thủ đô Tokyo ngày 7/10. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 31/10, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.

Quyết định trên của BOJ được đưa ra sau hàng loạt số liệu kinh tế ảm đạm, làm dấy lên quan ngại về khả năng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý III năm 2014. Động thái bất ngờ này, theo BOJ, là nhằm đối phó với sức ép giá cả giảm trong bối cảnh ngân hàng này tìm cách nâng tỷ lệ lạm phát lên 2% vào năm tới.

Tại cuộc họp của Hội đồng Chính sách của BOJ, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đã cho thấy sự bất đồng trong việc đưa ra các quyết định, theo đó có 4 trong số 9 thành viên hội đồng phản đối việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda và 2 thành viên bỏ phiếu ủng hộ.

Cũng tại cuộc họp, BOJ đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát, theo đó hạ tốc độ tăng trưởng thực trong tài khóa hiện tại xuống còn 0,5% so với mức dự báo 1% đưa ra hồi tháng Bảy vừa qua, hạ dự báo lạm phát từ mức 1,3% xuống 1,2% chủ yếu do sức tiêu dùng yếu và sản lượng công nghiệp thấp sau khi tăng thuế tiêu dùng vào tháng Tư năm nay.

BOJ vẫn duy trì đánh giá cơ bản về tình hình kinh tế, cho rằng nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi ở mức vừa phải, bất chấp áp lực giá hàng hóa giảm do tác động của việc tăng thuế tiêu dùng cũng như việc giá dầu thô giảm mạnh gần đây.

BOJ cũng thông báo sẽ bơm thêm khoảng 30 nghìn tỷ yen vào nền kinh tế thông qua việc mở rộng chương trình mua tài sản rủi ro và các trái phiếu chính phủ từ các thể chế tài chính. Như vậy, nguồn cung tiền sẽ được nâng lên mức 80 nghìn tỷ yen/năm.

BOJ cũng sẽ mua thêm tín dụng ủy thác đầu tư từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác với khối lượng lớn nhằm khuyến khích các thể chế tài chính này cho các doanh nghiệp vay nhiều hơn, trong khi tăng thanh khoản cho nền kinh tế từ mức 60-70 nghìn tỷ/năm lên 80 nghìn tỷ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro nhằm kích thích nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục