Giá dứa giảm mạnh, nông dân tỉnh Lào Cai thấp thỏm tìm đầu ra

Đã là vụ thứ 3 liên tiếp báo lỗ, từng là cây trồng nuôi bao hy vọng làm giàu, giờ đây cây dứa Mường Khương rơi vào tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội.”
Giá dứa giảm mạnh, nông dân tỉnh Lào Cai thấp thỏm tìm đầu ra ảnh 1Dứa tại Mường Khương đang vào chính vụ thu hoạch. (Nguồn: báo Lào Cai)

Đầu tháng Hai này, dứa Lào Cai bắt đầu bước vào chính vụ; tuy nhiên, giá bán giảm thê thảm khiến nông dân địa phương đang lo âu, thấp thỏm tìm đầu ra và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

"Bỏ thì thương, vương thì tội"

Huyện Mường Khương vốn được biết đến là "thủ phủ" dứa của Lào Cai hiện có 1.500ha dứa. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa cho biết dự kiến trong năm 2023, huyện thu hoạch 1.120ha với sản lượng ước đạt 33.600 tấn.

Tuy nhiên, giá bán dao động từ 3.000-4.000 đồng/kg (giá bình quân đạt 3.500 đồng/kg), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hằng năm khiến người sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đã là vụ thứ 3 liên tiếp báo lỗ, từng là cây trồng nuôi bao hy vọng làm giàu giờ đây cây dứa Mường Khương rơi vào tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội.”

Xã Bản Lầu là "vựa dứa" của Mường Khương với 1.150ha dứa. Đây cũng là địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi có trên 805ha đang trong giai đoạn thu hoạch song khoảng 60% tổng sản lượng dứa vẫn đang nằm trên nương. Người dân lo lắng vì giá xuống quá thấp và có xu hướng giảm tiếp.

Hiện tại, hơn 2 vạn cây dứa của gia đình anh Tráng Seo Phao ở thôn Đồi Gianh, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đang đến kỳ thu quả.

Nếu như đầu năm 2021, đồi dứa của gia đình anh Phao được thương lái thu mua với giá trên 50 triệu đồng, nay chỉ còn gần 20 triệu đồng.

"Mấy năm nay, giá dứa dao động từ 3.000-4.000 đồng/kg, không đủ trả tiền phân bón. Nếu giá tầm 5.000 đồng/kg mới có lãi," anh Phao cho biết.

Theo thống kê của xã Bản Lầu, tổng sản lượng dứa của xã vụ này khoảng 23.000 tấn. Năm 2023, xã có kế hoạch duy trì và trồng mới để diện tích dứa đạt 1.350ha. Dẫu vậy, không những khó đạt được theo kế hoạch mà diện tích dứa còn đứng trước nguy cơ giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 1.000ha trong năm nay.

[Gia Lai: Nông dân trồng dứa "hụt hơi" vì không có nơi tiêu thụ]

Bởi trước đó, với việc giá dứa bắt đầu giảm thấp từ cuối năm 2021, nhiều hộ dân đã bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng dứa sang trồng chè, trồng quế và không còn mặn mà với loại cây trồng từng tạo ra nhiều tỷ phú tại địa bàn vùng cao biên giới này.

Khoảng 3 tuần nữa, diện tích dứa của gia đình ông Phạm Đăng Viên, thôn Na Pao sẽ cho thu hoạch. Thế nhưng, giá bán ra thấp trong khi giá mua phân bón cao khiến ông Viên thở dài, than lỗ nặng. "Giá dứa thấp như hiện nay khiến tôi lo lắng vô cùng. Sau vụ này, gia đình tôi có thể sẽ chặt bỏ dứa để thay thế cây trồng khác,” ông Viên cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Lầu Cư Trữ cho biết trong vài năm trở lại đây diện tích dứa tại Bản Lầu đã giảm dần từ trên xuống còn 1.150ha.

Hiện tại, trong bối cảnh sản xuất không có lãi, giá dứa không ổn định, người dân địa phương đang có xu hướng tiếp tục giảm dần diện tích, trồng giữ giống, chờ đợi nghe ngóng tín hiệu thị trường để quyết định có nên tiếp tục trồng hay lựa chọn cây trồng mới thay thế.

Mở rộng công suất nhà máy chế biến

Theo các cơ quan chức năng, việc giá dứa tại Lào Cai xuống thấp là do nhiều nguyên nhân như giá phân bón tăng cao, công suất nhà máy chế biến còn thấp; nguồn cung đang vượt quá cầu... Ngoài ra, theo nhiều tiểu thương và đầu mối thu mua, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.

Trong những năm trước đây, sản phẩm dứa được tiêu thụ chủ yếu sang thị trường Trung quốc qua các lối mở. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, do chính sách biên mậu của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, 100% sản phẩm dứa của huyện được tiêu thụ tại thị trường nội địa, phục vụ các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, trung bình một ngày, lượng tiêu thụ đạt từ 80 đến 120 tấn. Trong đó, ngoài sản lượng tiêu thụ cho Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương, sản lượng còn lại được tiêu thụ cho các nhà máy chế biến tại Ninh Bình, Hưng Yên và Đồng Nai thông qua các đầu mối là Hợp tác xã và các tư thương.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa, nhìn chung, hiện tại việc tiêu thụ sản phẩm vẫn đáp ứng nhu cầu thu hoạch của nhân dân; tuy nhiên giá thu mua tại thời điểm là khá thấp, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng dứa.

Giá dứa giảm mạnh, nông dân tỉnh Lào Cai thấp thỏm tìm đầu ra ảnh 2 Dứa Mường Khương được các doanh nghiệp thu mua, chế biến. (Nguồn: báo Lào Cai)

Qua khảo sát, giá bán hiện tại đối với loại quả có trọng lượng từ 0,4kg/quả trở lên là 3.600-4.000 đồng/kg, loại có trọng lượng dưới 0,4 kg/quả là 1.700-2.000 đồng/kg.

Với giá bán như trên, nhiều diện tích sẽ bị thua lỗ, giá trị sản lượng không đủ cho chi phí sản xuất. Bởi theo hạch toán sơ bộ, với năng suất bình quân 30 tấn/ha, giá xuất bán phải đạt tối thiểu từ 3.500 đồng/kg trở lên, người sản xuất mới bắt đầu có lãi.

Trong khi đó, năm 2022 giá cả thị trường phân bón có nhiều biến động. Giá phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến việc đầu tư của người trồng dứa, dẫn đến chất lượng quả thấp hơn so với mọi năm, tỷ lệ dứa bi cao, chiếm 30-35%, cá biệt có nương trên 60%, dẫn đến giá bán thấp, tiêu thụ khó.

Hơn nữa, hiện các vùng sản xuất dứa khác như Thanh Hóa và một số địa phương khác cũng đang vào vụ thu hoạch rộ, các nhà máy đang có nguồn nguyên liệu dồi dào, việc thu mua ở những vùng nguyên liệu xa nhà máy khiến chi phí vận chuyển lớn, dẫn đến giá thành tại điểm thu mua thấp.

Việc giá dứa liên tục giảm sâu trong 3 vụ liên tiếp không chỉ gây thiệt hại đến kinh tế của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch mở rộng vùng trồng của địa phương, bởi đây là một trong những cây trồng chủ lực theo mục tiêu Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Do đó, để gỡ khó cho người dân, huyện Mường Khương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì các đối tác tiêu thụ truyền thống thông qua các đầu mối là Hợp tác xã và các tư thương để chủ động tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch cho nhân dân.

Đồng thời, chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ xem xét cho phép nhà máy Nhà máy chế biến rau quả Mường Khương mở rộng theo đề xuất để đảm bảo phát huy tối đa công suất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dứa của địa phương. Hiện tại, công suất hoạt động của nhà máy này chỉ đạt 40 tấn/ngày, tương đương 1.200 tấn/tháng, đáp ứng từ 1/4 đến 1/6 sản lượng cần tiêu thụ trong tháng.

Ngoài ra, Mường Khương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp rải vụ thu hoạch, thực hiện cân đối sản lượng cho phù hợp với khả năng tiêu thụ của từng thời điểm, giảm tải áp lực tiêu thụ tập trung vào một thời điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục