Giá hàng hóa tăng vì tình trạng "té nước theo mưa"

Mặc dù Chính phủ cũng như địa phương đang thực hiện các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, nhưng từ cuối tháng 10 đến nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, chương trình bình ổn thị trường đã được triển khai tích cực nhưng chưa thực sự rõ nét đối với đa số người tiêu dùng.
Mặc dù Chính phủ cũng như địa phương đang thực hiện các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, nhưng từ cuối tháng 10 đến nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong khi đó, chương trình bình ổn thị trường đã được triển khai tích cực nhưng chưa thực sự rõ nét đối với đa số người tiêu dùng.

Tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”


Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian gần đây như thép xây dựng, thuốc chữa bệnh, gas, đường, sữa, thức ăn chăn nuôi... các doanh nghiệp đều lý giải do tác động của giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng cùng với biến động của giá vàng và USD nên việc tăng giá sản phẩm đầu ra là điều khó tránh khỏi.

Với những mặt hàng khác không chịu nhiều từ yếu tố nhập khẩu đầu vào như lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, rau, củ, quả... các nhà cung cấp lại cho rằng do ảnh hưởng bão lũ ở miền Trung, diện tích hoa màu và nuôi trồng bị mất trắng, nguồn cung khan hiếm thì việc tăng giá lại là điều nghiễm nhiên.

Việc tăng giá cả hàng hóa đang là bài toán đau đầu trong việc chi tiêu hàng ngày đối với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp.

Theo chị Lê Phan Minh Nguyệt, hàng hóa cái gì cũng tăng trong khi lương thì không thay đổi khiến việc chi tiêu hàng ngày trong gia đình ngày càng trở nên khó khăn với với đồng lương của người công nhân như chị.

“Hầu hết người kinh doanh đều lý giải do nguồn cung hàng khan hiếm, việc giá vàng, đôla Mỹ tăng cùng với thông tin lương cơ bản sắp được điều chỉnh là lý do của những người bán hàng đưa ra để tăng giá,” chị Nguyệt cho hay.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền - cán bộ hưu trí, với chương trình bình ổn giá của Hà Nội, người tiêu dùng rất quan tâm và kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, chương trình này chỉ tập trung ở hệ thống siêu thị, trung tâm thành phố, điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp chưa đến các chợ lẻ và khu dân cư. Chính điều này dẫn đến việc người tiêu dùng, nhất là những người lao động có mức thu nhập trung bình, khó tiếp cận được với các chương trình bình ổn này.

Tại cuộc họp báo về tình hình triển khai thực hiện bình ổn giá cả, thị trường cuối năm 2010 và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết giá cả nhiều mặt hàng tăng lên không phải do khan hiếm nguồn cung mà do tác động tâm lý dây chuyền, khi thấy giá vàng và USD tăng, các tiểu thương nhỏ đã tự ý nâng giá bán, theo kiểu “té nước theo mưa.”

Thực tế qua kiểm tra các chợ đầu mối, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau, củ, quả, dầu ăn... vẫn dồi dào và giá cả ổn định.

Đối với chương trình bình ổn hàng hóa, ông Đồng cũng cho hay các điểm bán hàng bình ổn giá đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố đang tăng cao trong khi nguồn vốn để bình ổn giá có hạn. Số tiền 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để dự trữ 9 nhóm mặt hàng chỉ tương ứng 8% tổng mức nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Tính cả nguồn tiền của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ của 9 nhóm hàng này cũng chỉ đáp ứng được hơn 15%.

Khó kiểm soát được chợ bán lẻ

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cũng tỏ ra lo ngại nếu giá cả thị trường tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp được giao bình ổn cũng khó giữ ổn định giá. Nếu giữ giá quá lâu, tạo ra sự chênh lệch lớn giữa hệ thống siêu thị và ngoài thị trường, đã xảy ra hiện tượng nhiều người tranh thủ mua hàng bình ổn để bán lại với giá cao hơn.

Một số ý kiến đề xuất xây dựng điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ, nhưng điều này rất khó thực hiện do phải có mặt bằng, trong khi thuê rất tốn kém.

Về dự báo giá cả các mặt hàng trong dịp Tết, ông Đồng cho rằng việc tăng giá hàng hóa là điều khó tránh khỏi mặc dù thành phố đang cố gắng kiểm soát. Tuy nhiên, việc kiểm soát giá cả chỉ có thể thực hiện được tại các chợ đầu mối, còn rất khó kiểm soát được chợ bán lẻ.

Với dự báo sức tiêu thụ hàng Tết Tân Mão tăng 20% so với bình thường, Sở sẽ tăng số điểm bán hàng bình ổn lên 500, mở rộng ra cả các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức...

Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp, với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn và thịt gà, các đơn vị tham gia bình ổn phải đăng ký giá. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp ký kết hợp đồng để dự trữ hàng hóa. Việc triển khai sớm nguồn hàng dự trữ giúp doanh nghiệp cân đối vốn, nhân lực, vừa bình ổn giá, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, cố gắng không để sốt, thiếu hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.

Vấn đề giá cả hàng hóa đang có xu hướng leo thang, đã được nhiều đại biểu nhắc đến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận hiệu quả công tác này chưa đạt như mong muốn về mặt phân phối, bán lẻ; chưa thực sự quan tâm đến thị trường trong nước. Bộ trưởng khẳng định sẽ làm tốt công tác này trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều cửa hàng bình ổn giá được hỗ trợ vốn tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... vừa qua, cũng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu người tiêu dùng. Vì vậy, việc “ghìm” giá sinh hoạt xuống đang là đòi hỏi thiết yếu của người dân với các nhà quản lý, trong việc nói và làm./.

Trung Sâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục