Giá hầu hết các mặt hàng cao, tiêu thụ chậm

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến nhưng còn nhiều khó khăn do giá hầu hết mặt hàng ở mức cao.


Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011 đã có nhiều chuyển biến nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức do giá hàng hóa trên thế giới tăng, giá cả hầu hết các mặt hàng trong nước ở mức cao.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành lĩnh vực bị tác động bởi chi phí đầu vào cao dẫn đến giá thành tăng, làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010.

Một số ngành sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất đường; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng); sản xuất bột thô; sản xuất đồ uống không cồn; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất trang phục; sản xuất sắt, thép.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước tính đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong thời gian này, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010. Một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước có mức nhập khẩu tăng cao, có xăng dầu tăng tới hơn 30%; vải tăng tăng hơn 44%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng hơn 27%; chất dẻo tăng tăng 37,8%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 21,8%; ôtô nguyên chiếc tăng 65,4%.

Nhập siêu tháng 5 ước tính 1,7 tỷ USD, bằng 22,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu 5 tháng đầu năm là 6,6 tỷ USD, bằng 19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần tiếp tục điều hành chính sách thắt chặt tiền tệ linh hoạt, hợp lý để vừa giảm lượng cung tiền, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường trong nước.

Đặc biệt, cần có kế hoạch và chương trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm tính thanh khoản và lành mạnh trong kinh doanh tiền tệ; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường giá cả hàng hóa.

Các ngành chức năng cần có phân tích, đánh giá sâu thực trạng cơ cấu hàng nhập khẩu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn nhằm hạn chế nhập siêu; xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu linh hoạt, hợp lý; xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các biện pháp về chính sách thuế, chính sách tiền tệ nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không cần thiết.

Ngoài ra, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh; tăng cường giám sát để phát hiện sớm dịch bệnh; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các đơn vị chức năng trong việc tập trung dập tắt triệt để các ổ dịch mới xuất hiện; quản lý, kiểm dịch nghiêm ngặt đối vưới hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm trên từng địa bàn trong cả nước./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục