Gia Lai: Ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp Lào, Campuchia

Hội nghị xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở rộng thị trường và tận dụng ưu đãi của các FTA giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. (Nguồn: Báo Gia Lai)
Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. (Nguồn: Báo Gia Lai)

Sáng 12/11, tại thành phố Pleiku, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023.

Đây là hoạt động giao lưu, hợp tác, mở rộng thị trường và tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố của Việt Nam với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Lào và Campuchia.

Các doanh nghiệp đã thống nhất về lĩnh vực, mặt hàng và thị trường mà phía bạn sẽ hợp tác và giao thương trong thời gian tới.

[Gia Lai đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng càphê]

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho biết Hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp nước ngoài năm 2023 tại tỉnh Gia Lai là một trong những hoạt động của Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại.

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tận dụng cơ hội và ưu đãi của FTA đã được ký kết giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và mở rộng ra các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản.

Ông Nguyễn Hữu Quế kỳ vọng qua hội nghị lần này, sự kết nối của doanh nghiệp Việt Nam với Campuchia, Lào và Nhật Bản sẽ đi đến ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. Cùng đó, tiến tới ký kết hợp đồng thương mại, trao đổi đơn hàng cũng như phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sang các nước trong khu vực.

Tại hội nghị, đại diện các nước Việt Nam-Lào-Campuchia đã cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến hàng nông sản của khu vực Tây Nguyên; việc giao thương hàng hóa, xuất khẩu. Ngoài ra, các đại biểu cùng đánh giá những khó khăn hạn chế, đề ra giải pháp nhằm tận dụng tiềm năng, cơ hội cũng như tận dụng những ưu đãi của các FTA để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Campuchia, Lào và các nước ASEAN.

Theo ông Bouyadeth Thongsavanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Champasak-Lào, thời gian qua, tỉnh này đã chú trọng thực hiện, từng bước hoàn thiện 5 chương trình phát triển công nghiệp, thương mại và chương trình trọng điểm của tỉnh (theo kế hoạch quốc gia) trong giải pháp kinh tế-tài chính.

Tỉnh Champasak có nhiều tiềm năng trong nhiều lĩnh vực nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế của tỉnh đang liên tục chuyển mình phát triển theo hướng bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, tỉnh Champasak cũng có các cơ sở sản xuất cà phê, cao su và các loại rau màu khác có thể xuất khẩu theo hệ thống gắn với việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng theo thị trường mục tiêu. Vừa qua tỉnh Champasak có hợp đồng hợp tác mua bán hàng hoá với 24 nước trong khu vực và quốc tế.

Tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) có chung đường biên giới, lượng hàng hóa giao thương qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tương đối nhộn nhịp. Trong năm 2023, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại giữa hai tỉnh tập trung chủ yếu là hàng nông sản như điều, càphê, khoai lang và chuối.

Ông Kheav Tha, Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri (Campuchia) cho biết mặc dù, việc giao thương hàng hóa qua lại giữa hai nước đã khá tốt nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần khắc phục như thủ tục hải quan, chất lượng sản phẩm, giá cả, vận chuyển, thị trường tiêu thụ…Tuy nhiên, cơ quan chức năng hai nước cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thương.

Đồng thời, mong muốn hội nghị sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững.

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai sang thị trường Lào, Campuchia đã có những tăng trưởng nhất định nhưng còn tương đối thấp so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh Gia Lai cũng như các địa phương lân cận của hai nước này.

Với những điều kiện thuận lợi về giao thông, hệ thống các cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Bờ Y và với tiềm năng hiện có, còn nhiều dư địa phát triển, qua sự kiện gặp gỡ quan trọng này, tỉnh Gia Lai rất mong muốn chính quyền, Sở Công Thương, Sở Thương mại Lào và Campuchia tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm, thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu tại thị trường các quốc gia./.

Tin cùng chuyên mục