Giá lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn cao do hạn chế nguồn cung

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm, Philippines dự kiến nhập thêm 1,1 triệu tấn gạo, Indonesia nhập khoảng 700.000 tấn gạo; Malaysia và Trung Quốc cũng có kế hoạch nhập khẩu gạo.
Giá lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn cao do hạn chế nguồn cung ảnh 1Nông dân huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tuần qua tuy có giảm ở một số địa phương nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao do nguồn cung lúa Hè Thu cạn dần, lúa Thu Đông thu hoạch chưa nhiều.

Giá gạo xuất khẩu cũng giảm trong bối cảnh tín hiệu từ các nhà nhập khẩu chưa nhiều.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như OM 18 từ 7.800-8.200 đồng/kg, Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 7.800-8.200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.700-8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200-8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.700-8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200-9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300-9.450 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ, gạo thường có giá từ 13.000-15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 15.500-17.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg…

Trong tuần qua, giá lúa ở thị trường tỉnh Trà Vinh giảm bình quân từ 500-800 đồng/kg, tùy theo chất lượng và giống lúa.

Cụ thể, các giống lúa phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu, như OM 5451, OM 4900, Đài thơm 8… được thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng từ 7.600-7.800 đồng/kg; các giống lúa không đạt chuẩn xuất khẩu siêu Hàm Trâu, Ma Lâm 202 được thu mua từ 7.300-7.500 đồng/kg.

Vụ lúa Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh gieo sạ hơn 68.000ha. Hiện, nông dân đã thu hoạch xong hơn 40.000ha, năng suất đạt bình quân 5,3 tấn/ha.

Tuy giá lúa trong những ngày gần đây giảm, nhưng bình quân nông dân trồng lúa vẫn có lợi nhuận từ 2.500-3.000 đồng/kg lúa thương phẩm.

Tại tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Thu Đông 2023 xuống giống 121.189ha, tăng khoảng 11.000ha so với vụ Thu Đông 2022.

Do thị trường tiêu thụ lúa ổn định, giá bán ở mức khá cao nên nhiều diện tích không chuyển đổi sang trồng hoa màu và một số ô bao không thực hiện xả lũ vụ Thu Đông 2023 để tiếp tục xuống giống.

Năng suất vụ Thu Đông ước đạt bình quân 67 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 3,33 triệu tấn (tăng 27.887 tấn so với cùng kỳ năm 2022).

[Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo ở các vựa lúa gạo tiếp tục giảm]

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm, Philippines dự kiến nhập thêm 1,1 triệu tấn gạo, Indonesia khả năng nhập khoảng 700.000 tấn gạo.

Các thị trường khác như Malaysia và Trung Quốc cũng sẽ có những kế hoạch nhập khẩu gạo trong thời gian tới.

Cùng với đó là lịch thời vụ cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 ở Đồng bằng Sông Cửu Long được bắt đầu sớm, từ ngày 10/10 xuống giống và bước vào tháng 1/2024 sẽ thu hoạch.

Trong khi đó, vụ Thu Đông 2023 đã bắt đầu thu hoạch kéo dài đến tháng 12/2023. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, tuần qua giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn từ 620-630 USD/tấn so với mức từ 630-640 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết người mua từ Philippines vẫn khá trầm lắng.

Một thương nhân khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết nguồn cung khan hiếm và nhu cầu ngày càng tăng từ châu Phi và Indonesia sẽ hạn chế sự sụt giảm của giá gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục