Gia nhập WTO là động lực phát triển kinh tế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là động lực phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là động lực phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Ông Tú phát biểu như trên tại buổi Hội thảo “Môi trường thương mại Việt Nam sau 2 nam gia nhập WTO” diễn ra chiều ngày 18/12/2008 tại Hà Nội do Báo Người đại biểu nhân dân tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các ban ngành.
 

Việt Nam trở thành thành viên WTO là khởi đầu của một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tạo môi trường thương mại cạnh tranh, năng động và nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách và giám sát thực hiện đặc biệt là trong những bước đi đầu tiên khi gia nhập WTO.
 

Sau 2 năm gia nhập WTO đã tạo ra nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam như: Việc đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tác động tích cực đối với các doanh nghiệp mới; việc mở ra hệ thống tài chính cạnh tranh tạo ra cơ hội tài chính tốt và có tính cạnh tranh hơn cho các các doanh nghiệp nhỏ với các dịch vụ tài chính mới; tiếp cận thị trường Hoa Kỳ đem lại sự tăng trưởng trong xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động....
 

Trong một năm, FDI đã tăng lên gấp đôi vào năm 2007 tới 20 tỷ USD và xuất khẩu đã tăng 21,5%. Việc giảm thuế và các nghĩa vụ nhập khẩu đối với các sản phẩm như máy móc, thiết bị, ôtô tạo điều kiện cho nhiều hàng hóa đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước với mức giá hợp lý.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tú, việc gia nhập WTO cũng tạo ra những thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp như: Cạnh tranh tăng lên, qui mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa khó thích ứng, thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về quản lý kinh tế cũng như khó khăn trong tiếp cận vốn từ khu vực tài chính chính thức…
 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đất nước trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các biến động kinh tế quốc tế. Theo truyền thống, đồng Việt Nam được gắn chặt với đô la Mỹ nhưng sự giảm giá gần đây của đô la đang khiến chính phủ phải mở rộng sự kiềm tỏa để tạo điều kiện cho sự giao dịch giữa đồng Việt nam và đô la Mỹ. Nỗi lo sợ về lạm phát cũng đe dọa sự phát triển vững chắc của doanh nghiệp.
 

Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, theo Thú trưởng Tú, thời gian tới cần tập trung vào việc giảm thời gian thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu và chi phí xuất khẩu nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với Trung Quốc, Malaysia, và Singapore; có nhiều biện pháp bảo vệ các nhà đầu tư; chú ý nhiều hơn đến đào tạo, hỗ trợ, trang bị các kỹ năng công nghệ và quản lý; giải quyết những vấn đề liên quan tới đất đai, tài sản, cơ sở hạ tầng …

Cũng nhân dịp này, Báo Người đại biểu nhân dân sẽ phối hợp với Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế tổ chức chương trình bình chọn và trao tặng Cúp vàng Hội nhập kinh tế Quốc tế./.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục