Giá nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng ổn định

Nguồn cung hàng hóa đảm bảo và chương trình bình ổn giá đang được tích cực triển khai, dự báo giá nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng ổn định.
Bộ Công Thương dự báo, tháng 8, thị trường hàng hóa có khả năng chịu tác động của những yếu tố bất lợi như giá thế giới tăng, tính mùa vụ của tiêu dùng, sản xuất khiến nhu cầu tăng, ảnh hưởng của mùa mưa bão khiến một số mặt hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng tại các vùng bão lũ có thể tăng giá cục bộ.

Tuy nhiên, do sản xuất đã ổn định trở lại khi việc cung ứng điện đã qua giai đoạn căng thẳng, nguồn cung hàng hóa đảm bảo và chương trình bình ổn giá đang được tích cực triển khai ở nhiều địa phương, dự báo, giá nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng ổn định.

Giá gạo sẽ ổn định như hiện nay

Hiện nay, các tỉnh phía Bắc đang tích cực gieo cấy lúa mùa, tình trạng khô hạn ở nhiều địa phương đã phần nào được giải quyết sau một số trận mưa gần đây. Các tỉnh phía Nam vừa thu hoạch rộ lúa hè thu và xuống giống lúa mùa, thời tiết nhìn chung thuận lợi.

Mặc dù nguồn cung lúa gạo trên thị trường tăng, nhu cầu xuất khẩu chưa cao nhưng do việc triển khai chính sách hỗ trợ mua lương thực nên giá lúa gạo tại các tỉnh phía Bắc ổn định, giá lúa tẻ thường từ 4.800-5.100 đồng/kg, gạo tẻ thường từ 7.500-9.000 đồng/kg; tại các tỉnh phía Nam sau khi giảm đã tăng nhẹ trở lại, giá lúa tẻ thường từ 4.100-4.300 đồng/kg, gạo tẻ thường từ 7.500-8.000 đồng/kg. Dự báo trong thời gian tới, do nguồn cung sẽ không tăng cùng với chương trình mua tạm trữ lúa gạo, giá gạo trong nước sẽ ổn định như hiện nay.

Giá đường sẽ bình ổn hơn

Giá đường tháng 7 tăng cao so với tháng 6. Sau khi tăng nhanh và mạnh trong 2 tuần đầu tháng 7, sang tuần thứ 3, giá bán buôn đường đã bắt đầu chững lại. Giá đường kính trắng bán lẻ trên thị trường cuối tháng 7 ở mức 20.000-21.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, tăng 12% so với đầu năm 2010 và 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình biến động của giá đường, Bộ Công Thương đã đề nghị nhập khẩu bổ sung 100.000 tấn đường các loại trong năm 2010. Như vậy, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan tới tháng 7 đạt khoảng 170.000 tấn (chiếm 85% trong tổng lượng hạn ngạch 200.000 tấn đã cấp), cùng với lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến cuối tháng 7 là 172.000 tấn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đường trong tháng 8.

Với lượng hạn ngạch thuế quan cấp bổ sung trong thời gian tới, dự báo, giá bán buôn đường có khả năng sẽ chững lại và giảm nhẹ.

Tuy nhiên, giá đường bán lẻ trên thị trường sẽ tiếp tục ở mức cao. Để hạ nhiệt giá đường, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai bán hàng bình ổn giá với mặt hàng đường.

Giá thép điều chỉnh nhẹ


Tháng 7, giá bán thép xây dựng trên thị trường tiếp tục tăng do các doanh nghiệp thép đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán từ 4-7% so với cuối tháng 6/2010 do giá nguyên liệu thép thế giới tăng.

Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, giá bán tại các nhà máy (chưa trừ chiết khấu, chưa tính VAT) của các doanh nghiệp trực thuộc và liên doanh với tổng công ty có giá từ 12,64-13,21 triệu đồng/tấn (phía Bắc) và từ 12,56-12,72 triệu đồng/tấn (phía Nam). Giá bán lẻ trên thị trường tháng 7 cũng tăng tương ứng từ 0,5 - 0,7 triệu đồng/tấn (tương đương 4-7%) so với cuối tháng trước.

Hiện giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường ở phía Bắc từ 14-14,5 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 13,8-14,3 triệu đồng/tấn. Dự báo sang tháng 8, giá bán thép xây dựng có thể tiếp tục điều chỉnh nhẹ do giá phôi thép trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Giá ximăng tiếp tục ổn định Tháng 7, giá bán xi măng trên cả nước nhìn chung ổn định và giảm nhẹ ở một số địa phương thuộc phía Nam.

Theo Tổng công ty công nghiệp ximăng Việt Nam, giá bán tại các nhà máy (đã bao gồm VAT) của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với tổng công ty ở mức ximăng PCB30 từ 897.600- 930.000 đồng/tấn, ximăng PCB40 từ 920.000-1.260.000 đồng/tấn.

Giá bán lẻ ximăng trên thị trường phổ biến ở phía Bắc từ 950.000-1,15 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 1,1-1,4 triệu đồng/tấn. Do nguồn cung khá dồi dào nên giá ximăng trong tháng 8 tiếp tục ổn định.

Giá gas sẽ giảm nhẹ theo giá thế giới


Tiếp tục xu hướng giảm giá mạnh từ tháng 6/2010, hôm qua (1/8), giá gas bán lẻ trên thị trường lại giảm thêm 9.000 đồng/bình 12kg.

Diễn biến này của thị trường phù hợp với dự báo của Bộ Công Thương, theo đó, trong tháng 8, giá gas trong nước có thể tiếp tục giảm nhẹ theo diễn biến của giá thế giới.

Trên thị trường thế giới, giá gas giảm do thời tiết ấm tác động tới nhu cầu sử dụng giảm và ảnh hưởng của giá dầu thô giảm, kéo theo đó, giá gas nhập khẩu đã giảm 50USD so với tháng 6 và đang ở mức 620 USD/tấn.

Do giá nhập khẩu giảm và tỷ giá ổn định nên từ 1/7, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng trong nước đã tiếp tục giảm 13.000 đồng/bình 12kg. Giá gas bán lẻ trên thị trường cũng giảm từ 10.000-13.000 đồng/kg. Hiện nay, giá bán lẻ gas phổ biến ở mức 240.000-250.000 đồng/bình 12kg./.

Thu Hường (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục