Giá trị sản xuất thủy sản của Kiên Giang tăng gần 4% so với năm ngoái

Giá trị sản xuất thủy sản năm 2021 của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 32.687 tỷ đồng, đạt 98,7% kế hoạch, tăng gần 4% so năm 2020 trong khi tổng sản lượng tăng 2,2% so với năm ngoái.
Giá trị sản xuất thủy sản của Kiên Giang tăng gần 4% so với năm ngoái ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhưng giá trị sản xuất thủy sản năm 2021 của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 32.687 tỷ đồng, đạt 98,7% kế hoạch, tăng gần 4% so năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2021, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh khoảng 854.330 tấn, vượt 6,9% kế hoạch, tăng 2,2% so với năm 2020, gồm sản lượng khai thác hải sản 568.860 tấn và nuôi trồng thủy sản 285.470 tấn, trong đó tôm nuôi nước lợ 104.694 tấn.

Hoạt động khai thác hải sản năm 2021 của tỉnh Kiên Giang rất khó khăn, không chỉ do suy kiệt nguồn lợi thủy sản trên ngư trường mà giá xăng, dầu, vật tư, ngư lưới cụ đánh bắt hải sản tăng cao làm cho chi phí hoạt động khai thác đánh bắt tăng lên.

Trong khi đó, giá sản phẩm khai thác thiếu ổn định theo hướng giảm nhiều hơn tăng. Điều này dẫn đến hiệu quả khai thác đánh bắt thấp, thậm chí thua lỗ nên số tàu cá nằm bờ khá nhiều; một số ngư dân không thiết tha bám biển và tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra.

Do vậy, tỉnh tăng cường quản lý tàu cá và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu cho một số doanh nghiệp.

[Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Ủy ban châu Âu đánh giá gì sau 4 năm?]

Đến nay, tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.632 tàu cá và đang tiếp tục hoàn thành lắp đặt cho tàu cá còn lại trong năm nay; tăng cường tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu; tuần tra kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về quản lý khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt sản lượng khá cao, tăng so với năm 2020 trên cả 3 nhóm thủy sản là cá, tôm và thủy sản khác; riêng tôm nuôi nước lợ tăng 12,5%, tăng hơn 11.704 tấn so với năm 2020, vượt 6,8% kế hoạch năm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trọng Thao cho biết trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh phát triển nhanh hình thức nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp với diện tích hiện nay hơn 5.000ha, sản lượng hơn 31.320 tấn/năm.

Ngoài ra, tỉnh phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh và thành phố Hà Tiên, năng suất trung bình hơn 24 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 280 triệu đồng/ha/vụ. Đây là mô hình mang lại thu nhập cao cho nông dân và tạo ra sản phẩm phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao và bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nguồn nước ngọt tưới tiêu sang mô hình sản xuất tôm-lúa và nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Mô hình tôm-lúa được xem là "mô hình sản xuất thông minh" trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đem lại 2 nguồn lợi kinh tế cho nông dân là lúa và tôm trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất từ 50 triệu đồng/ha tăng lên từ 100-130 triệu đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh phấn đấu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt từ 94% đến tương đương năm 2021.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh khuyến khích đầu tư và hỗ trợ phát triển nghề nghề nuôi trồng thủy sản, nuôi ven biển, ven đảo và nuôi biển theo hướng bền vững, nhất là chú trọng nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá lồng bè trên biển và một số loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao.

Hơn nữa, trên lĩnh vực khai thác đánh bắt hải sản, tỉnh hướng đến khai thác xa bờ, giảm dần đánh bắt ven bờ, nâng cao hiệu quả nghề này gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững trên ngư trường. Tỉnh triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục