Giá vàng giảm do báo cáo việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến

Khoảng 0 giờ 57 sáng 5/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm xuống 2.649,69 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.685,42 USD/ounce trong tuần trước.

(Ảnh: LN 247/TTXVN)
(Ảnh: LN 247/TTXVN)

Giá vàng thế giới giảm trong phiên 4/10 sau khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến của Mỹ đã "dội một gáo nước lạnh" vào dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm mạnh lãi suất vào tháng 11/2024.

Báo cáo việc làm này cũng góp phần đẩy giá đồng USD tăng lên.

Khoảng 0 giờ 57 sáng 5/10 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.649,69 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.685,42 USD/ounce trong tuần trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 2.667,80 USD/ounce.

Số lượng việc làm tại Mỹ đã tăng lên trong tháng 9/2024 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, qua đó làm dịu sức ép rằng Fed cần cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra trong hai ngày 6-7/11.

Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tạo thêm 254.000 việc làm trong tháng 9/2024, cao hơn đáng kể so với con số 159.000 việc làm của tháng 8/2024. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,2% xuống 4,1%.

Nhà giao dịch thị trường độc lập tại New York, ông Tai Wong nhận xét giá vàng giảm do báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ vì vậy thị trường dự đoán Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11/2024.

Chỉ số đồng USD đã tăng lên mức cao của 7 tuần sau số liệu việc làm của Mỹ khiến giá vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác. Chỉ số đồng USD là thước đo giá trị đồng bạc xanh so với một giỏ các đồng tiền mạnh khác.

Các nhà giao dịch đã giảm kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 11/2024 của Fed sau khi báo cáo việc làm được công bố.

Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại ngân hàng TD Securities, cho biết tình hình căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và ảnh hưởng đến thị trường vàng. Do tâm lý lo lắng về tình hình căng thẳng địa chính trị nói trên, nhiều người không muốn bán vàng mà giữ để đầu tư hoặc phòng ngừa rủi ro. Điều này làm giảm số lượng người bán vàng và có thể đẩy giá vàng lên cao.

Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Phillip Streible tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures, cho biết nếu tình hình địa chính trị tiếp tục căng thẳng trong cuối tuần, giá vàng kỳ hạn có thể tăng mạnh lên mức 2.700 USD/ounce và đạt những mức cao kỷ lục mới. Điều này cho thấy sự lo lắng của nhà đầu tư về tình hình địa chính trị căng thẳng ở Trung Đông và thúc đẩy họ tìm đến vàng như một tài sản an toàn.

Thị trường vàng tuần qua đã trải qua những biến động khá phức tạp, chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu xoay quanh tình hình địa chính trị căng thẳng ở Trung Đông và chính sách tiền tệ của Fed.

Trong phiên đầu tuần 30/9, giá vàng đã giảm sau đợt tăng cao kỷ lục do chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông khiến vàng có quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2020. Các nhà phân tích cho biết đà tăng của giá vàng đã bị kiềm chế bởi hoạt động chốt lời và cổ phiếu Trung Quốc tăng vọt.

Đến phiên 1/10, giá vàng thế giới tăng hơn 1%, do nhu cầu "trú ẩn an toàn" gia tăng trước lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, sau khi Israel bị không kích bằng tên lửa.

Tuy nhiên, khi thị trường dần quen với tình hình ở Trung Đông, sức ép lên giá vàng cũng giảm đi. Giá vàng thế giới đã giảm nhẹ trong phiên 2/10, sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước đó, trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi thêm tín hiệu kinh tế của Mỹ và diễn biến xung đột tại Trung Đông.

Sau đó, giá vàng cũng điều chỉnh giảm do các yếu tố như đồng USD mạnh lên và kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed thay đổi.

Đến phiên 3/10, giá vàng thế giới diễn biến khá bình lặng, khi nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn trước tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã bị lấn át bởi áp lực từ đồng USD mạnh lên, do các nhà đầu tư hạ kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục giảm mạnh lãi suất.

Ông Peter A. Grant, Phó Chủ tịch kiêm Chiến lược gia kim loại cao cấp của công ty kinh doanh kim loại quý Zaner Metals, cho biết: "Hiện đã có sự cân bằng giữa các yếu tố tác động lên giá vàng bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi trong kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ và đà tăng giá của đồng USD."

Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin, cho biết nỗ lực của Fed nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, do đó thu hẹp khả năng ngân hàng này cắt giảm lãi suất sâu hơn.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 32,21 USD/ounce, và đang hướng đến một tuần tăng giá. Giá bạch kim giảm 0,1% xuống 989,33 USD/ounce, còn giá palladium ổn định ở mức 1.000 USD/ounce./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục