Giá vàng không ngừng “nhảy múa,” nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư và người dân khi đầu tư vàng cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và không nên lướt sóng bởi thị trường vàng biến động rất khó lường.

Giá vàng không ngừng nhảy múa trong thời gian qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giá vàng không ngừng nhảy múa trong thời gian qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo chuyên gia, lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua tích trữ vàng thời điểm giá liên tục lập kỷ lục như hiện nay. Bởi tình hình kinh tế thế giới hiện biến động khó lường, giá vàng rất thất thường, lên cao nhưng cũng có thể rớt ngay.

Liên tục tăng phi mã

Giá vàng không ngừng nhảy múa, tăng vọt ở mức kỷ lục những ngày gần đây tạo nên "cơn sốt" giá chưa từng thấy. Tính đến 14 giờ chiều nay (8/3), giá vàng thế giới tiếp tục tăng thêm 15 USD/ounce so với hôm qua - tạo mức giá cao nhất mọi thời đại, hiện đang giao dịch ở mức 2.160 USD/ounce và đà tăng này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ở trong nước, thương hiệu vàng SJC cũng cũng không ngoại lệ, khi đồng loạt tăng mạnh và đã đạt mức 81,6 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới gần 17 triệu đồng/lượng.

So với ngày đầu tháng Một, thương hiệu này đã tăng tới 7,6 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn những ngày qua cũng liên tiếp tăng và xô đổ mọi kỷ lục. Tính đến 14 giờ ngày 8/3, giá loại vàng này đã ở mức cao nhất lịch sử khi đạt 69 triệu đồng/lượng (giá bán), vượt kỷ lục cũ là 68,85 vừa được lập hôm 7/3.

Giá vàng nhẫn tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,20 triệu đồng/lượng mua vào và 68,45 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn 550.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty vàng Rồng Thăng Long Bảo tín Minh Châu và vàng nhẫn của Doji hiện đang giao dịch từ 68-69,23, tăng 450.000 đồng so với phiên trước.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn cũng tăng tới 6,5 triệu đồng/lượng.

Tuy vàng nhẫn đắt đỏ là thế nhưng gần đây lại xuất hiện hiện tượng khan hiếm. Khảo sát cho thấy không ít lần các cửa hàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy… (Hà Nội) phải thông báo hết vàng nhẫn tròn trơn khi khách hỏi mua.

Một số cửa hàng nhỏ lẻ tuy còn vàng nhẫn nhưng số lượng cũng không nhiều. Cuối ngày 7/3, tại một số cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết chỉ còn một số ít vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, 1 chiếc 0,5 chỉ và 1 chiếc 2 chỉ.

Tuy sau đó, các cửa hàng này đã có hàng trở lại tuy nhiên hiện tượng hết hàng gián đoạn, cục bộ vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Không ít khách hàng phản ánh không mua được vàng nhẫn tại nhiều thời điểm.

"Không dễ mua vàng nhẫn như trước do hàng không nhiều. Tôi phải đi 2 lần mới mua được," chị Thanh Huyền ở quận Hoàng Mai nói. Thậm chí nhiều người đã chấp nhận mua vàng bằng phiếu hẹn.

Trên thực tế, vàng nhẫn đã khá khan hàng từ ngày vía Thần Tài (19/2). Nhiều cửa hàng đã phải thông báo khách quay lại lúc khác thì mới có thể mua được vàng nhẫn trơn tròn.

vnp_5,.jpg
Người dân xếp hàng mua vàng tại Hà Nội ngày 7/3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia cho biết hiện tượng khan vàng nhẫn là dấu hiệu khác lạ so với mọi năm. Các năm trước vàng nhẫn “mua vào-bán ra” đều đều, không có hiện tượng nhiều người “đổ xô” đi mua. Đặc biệt, các năm trước giá vàng nhẫn cũng theo sát với giá thế giới quy đổi nhưng đến thời điểm này giá vàng nhẫn đã tăng cao hơn từ 4-4,25 triệu đồng mỗi lượng.

Cần cẩn trọng trước rủi ro

Lý giải hiện tượng vàng nhẫn khan hiếm, ông Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định tâm lý của nhiều người mua vàng hiện nay là muốn tích trữ tài sản vì lãi suất các ngân hàng hiện nay quá thấp. Nhưng hiện người dân ưu tiên chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng như trước kia do lo lắng việc sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng sắp tới sẽ có tác động mạnh đến thị trường vàng miếng.

"Khi cơ quan chức năng xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC có thể giảm mạnh, về gần hơn so với giá thế giới quy đổi, tức là có thể giảm hơn 10 triệu đồng/lượng. Do vậy, nhiều người đã chuyển từ mua vàng miếng tích trữ sang vàng nhẫn, vàng trang sức để giảm thiểu rủi ro," ông Thịnh phân tích.

Ngoài ra theo ông Thịnh, do lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" khiến nhiều người lựa chọn vàng để đầu tư.

"Khi kinh tế biến động, tâm lý của người dân luôn muốn tích trữ vàng. Giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng. Đặc điểm khác của kênh đầu tư vàng, đó là thu hút được số đông người mua, điển hình là người dân lao động. Đây là nhóm khó tiếp cận với đầu tư chứng khoán và cũng chưa đủ tiền để mua bất động sản. Họ chỉ còn có 2 con đường là mua vàng và gửi tiết kiệm. Mà gửi tiết kiệm mang lại lãi suất thấp. Thế nên, người dân lại quay ra tích cóp mua vàng, càng đẩy giá vàng lên cao," ông Thịnh nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích thêm, từ khi thực hiện Nghị định 24, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trên thị trường để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

"Việc mua vàng trôi nổi trên thị trường lại không bảo đảm yêu cầu về hóa đơn, bảng kê hàng hóa dịch vụ và rủi ro có thể mua phải vàng lậu. Việc cơ quan quản lý siết các vụ buôn lậu vàng gần đây khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không dám mua vàng trên thị trường càng làm cho nguồn cung vàng nguyên liệu thêm hạn chế," ông Khánh nói.

Các chuyên gia cũng cho biết giá vàng trong nước tăng là do thế giới đã có 7 ngày tăng liên tiếp. Trong 5 ngày giao dịch đầu tiên của đợt tăng giá này, vàng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu mua vào của những người tham gia thị trường, cả sức mạnh lẫn sự yếu kém của đồng USD đều không có ảnh hưởng đáng chú ý đến sự thay đổi ròng của vàng. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, giá vàng tăng chủ yếu là do đồng USD yếu đi.

Sự suy yếu của đồng USD ngày hôm qua (7/3) chiếm ít hơn một nửa mức tăng ròng và sự suy yếu của đồng USD hôm nay chiếm toàn bộ mức tăng của vàng.

vnp_SONR5381.jpg
Đồng USD suy yếu là nguyên nhân dẫn đến giá vàng thế giới tăng. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua tích trữ vàng thời điểm giá liên tục lập kỷ lục như hiện nay. Bởi tình hình kinh tế thế giới hiện biến động khó lường, giá vàng rất thất thường, lên cao nhưng cũng có thể rớt ngay.

Ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Giá vàng trong nước đang quá cao so với vàng thế giới. Người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này vì đây là cơn “sốt,” mà sốt thì chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua."

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định thị trường vàng đang trở nên hấp dẫn như hiện nay thì việc mua vàng rất được kích thích và cũng quyết định đến việc người dân đi mua vàng.

Tuy nhiên theo ông Hiếu, nhà đầu tư và người dân khi đầu tư vàng cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới và Việt Nam đồng thời không nên lướt sóng ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường.

Khoảng cách chênh lệch quá lớn, lên đến 17 triệu đồng mỗi lượng, trong khi đó giá vàng càng tăng thì chệch lệch giữa mua và bán cũng càng xa tới 2 triệu đồng. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều có thể xảy ra./.

Giá vàng, SJC, USD,

Tin cùng chuyên mục