Đắt có "xắt ra miếng"?

Giá vé ca nhạc ngày càng "thượng thặng"- Vì đâu?

Giá vé xem ca nhạc hiện cao ở cỡ khiến khán giả say nghệ thuật phải đắn đo và thắc mắc rằng "đắt" nhưng liệu có "xắt ra miếng"?
Gần đây, muốn đi xem ca nhạc "sống" được quảng cáo là chất lượng cao thì khán giả phải bỏ ra tiền triệu. Dư luận đã có nhiều thắc mắc rằng so với mặt bằng chung của mọi loại hàng hóa thì việc một gia đình muốn đi xem phải tiêu tốn cả tháng lương là quá sức.

Những câu hỏi về tương quan chất lượng và giá cả các chương trình, về việc quản lý của nhà nước đến đâu và liệu có hạn chế được sự "thăng thiên" của giá vé đang được đặt ra.
 
Kỷ lục nào cho “vé khủng”?

Cuối năm 2005, khi nhạc sĩ Phú Quang “định mức” một triệu đồng cho mỗi vé tham dự đêm nhạc “Có một ngày” của ông tại Nhà hát lớn Hà Nội, ông đã gây “choáng” cho những người yêu nhạc. Đó được tính như lần xác lập kỷ lục về giá vé xem ca nhạc.

Cho đến nay, giá vé của Phú Quang ngày nào đã quá lỗi thời. Lần lượt các ca sĩ từ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam, Tùng Dương, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương… đã có nhiều đêm diễn vượt xa tác giả “Em ơi, Hà Nội phố.”

Đến khi “làn sóng” của các ca sĩ Việt kiều trở về biểu diễn rộ lên thì giá vé đã nhảy ngoạn mục. Đó là các chương trình của Lưu Bích, Minh Tuyết, Khánh Hà, Tuấn Vũ... Các buổi diễn của họ đều đã vượt qua con số một triệu đồng. Vé hạng nhất có thể gấp tới 3 lần như một số chương trình gần đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay thì hai người đang giữ kỷ lục giá vé là Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm với bốn triệu đồng ở đêm nhạc “Dạ tiệc trắng” và Kỷ niệm 10 năm ca hát tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2010 và đầu 2011. Tuy nhiên, trong các chương trình này đều bao gồm phần dạ tiệc hoành tráng, có giao lưu, triển lãm, khiêu vũ cùng với việc khán giả được mời thưởng thức nghệ thuật.

Như vậy, nhiều người dự đoán rằng trong lần tổ chức sau của các ca sĩ này giá vé không chỉ dừng ở đó. Và các ca sĩ, các nhà tổ chức khác sẽ “học theo” tổ chức một chương trình liên hoàn từ chào hỏi, ăn uống, nhảy và nghe hát trở thành một điểm nhấn mà thôi.

Vé đắt cũng ba, bảy đường

Phóng viên Vietnam+ đã trao đổi cùng ông Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một người có kinh nghiệm tổ chức biểu diễn ở Hà Nội để tìm hiểu về giá vé xem nghệ thuật “trên trời-dưới đất” là sao?

Theo ông Trương Nhuận, hiện nay giá vé xem biểu diễn nghệ thuật chưa vào vòng quản lý của Nhà nước mà nó theo quy luật cung-cầu của thị trường.

"Người mua vé tham dự vào các chương trình nghệ thuật cần phân biệt được rằng có những chương trình của các đơn bị nghệ thuật thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch sẽ được nhận một phần kinh phí do Nhà nước đầu tư nên giá vé sẽ thấp hơn các đơn vị tự do bên ngoài. Nghĩa là không phải giá biểu diễn không cao là chương trình kém chất lượng," ông Nhuận nói.

Đặc biệt, những chương trình có mục tiêu thúc đẩy tiến bộ xã hội, chương trình nhân đạo từ thiện, chương trình giao lưu văn hóa quốc tế thì có thể miễn phí hoặc giá không cao vẫn hết sức đặc sắc.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì ngoài trả cátsê cho ca sĩ, xét giá vé cũng nên lưu ý về địa điểm. Như ở Hà Nội, thuê địa điểm ở Nhà hát lớn là 30 triệu đồng, thuê ở nhà hát Âu Cơ hay Cung Văn hóa hữu nghị Việt- Xô là 40 triệu đồng. Những chi phối này sẽ đội vào giá vé. Nếu các nhà hát hay chương trình của đoàn nghệ thuật diễn tại “sân nhà” thì giá vé sẽ rất “mềm.”

Ông Trương Nhuận không ngại chia sẻ rằng “khâu trung gian” đã làm cho giá vé dễ trở nên vô lý. Khán giả khó biết được rằng trên tấm vé họ mua đã có 30 đến 50% vào túi của khâu này. Thực thu của nghệ sĩ và cả nhà tổ chức không dựa theo giá vé. Tiền chi cho “hoa hồng” và những khoản không phục vụ cho chương trình có khi quá lớn.

Muốn bán được vé giá cao thì nhà tổ chức thành ra phải khuếch trương quá mạnh và khó trách vi phạm “quảng cáo không đúng sự thật” cho chương trình. Thực tế cho thấy, có công ty tổ chức biểu diễn thành lập và làm xong một đêm diễn là giải thể. Điều này thật gian nan cho nhà quản lý và ảnh hưởng lớn đến uy tín của rất nhiều đơn vị nghiêm túc, và các “ông bầu” có tâm, có tài.

“Thực tế có chương trình rất xứng đáng. Đó là chương trình “Cầm tay mùa hè” của nhạc sĩ Quốc Trung. Tôi đã phải bỏ 1,8 triệu để mua vé vào nhưng thấy rất hợp lý. Bởi chất lượng nghệ thuật của chương trình rất đặc sắc. Trong khi đó không loại trừ các chương trình mà bầu sô chỉ muốn thu lợi nhuận cao nên đầu tư chú trọng chất lượng nghệ thuật bị lép vế,” ông Trương Nhuận nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nên chăng cần có cái nhìn bao quát hơn, vì nếu vài lần bị “lừa” khán giả sẽ "cạch" các chương trình, thiệt hại sẽ nghiêng về nghệ sĩ, về cả các công ty tổ chức biểu diễn và ảnh hưởng đến sự phát triển nghệ thuật của nước nhà, ông Nhuận nói: “Đúng vậy. Thế nên cần rung lên hồi chuông để chống việc làm giảm giá trị nghệ thuật và mất lòng tin của công chúng.” 

Vẫn cần "sự thông thái
"

Chúng tôi có buổi làm việc với NSƯT Vương Duy Biên-Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề quản lý giá vé xem biểu diễn, ông Biên nói rõ: “Nếu dựa theo các văn bản trước đây về định mức giá hay chế tài xử phạt thì quy định nào cũng lỗi thời. Không chỉ nghệ thuật biểu diễn mà mọi lĩnh vực đều không còn phù hợp với văn bản đã ra. Ví dụ như một sai phạm về chương trình trước đây phạt 10 triệu đồng là lớn nhất, bây giờ thì đã là ít.

Theo ông Biên, không bàn chuyện cao hay thấp trong quy luật thị trường. Có câu “thuận mua-vừa bán”. Từ góc độ khán giả, người xem luôn muốn những chương trình giá thấp nhưng phải có chất lượng cao. Ngược lại, nhà sản xuất luôn muốn lợi nhuận cao nhất với mức đầu tư thấp nhất. Song tóm lại, nhà tổ chức tham quá sẽ mất uy tín, và khán giả đi xem nghệ thuật cũng là khách hàng mua nghệ thuật. Thế nên các “thượng đế” cũng cần thông thái và tránh nhẹ dạ, cả tin theo quảng cáo.

Ông Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Tôi không loại trừ việc có nghệ sĩ muốn đánh bóng tên tuổi bằng… giá vé. Thế nên khán giả cần phải tinh mới được xem nghệ thuật 'đáng đồng tiền bát gạo.' Với những ai muốn gây chú ý bằng đội giá vé cao cho 'oách' thì cái họ được chỉ là tiếng tăm ảo trước mắt, còn cái họ mất sẽ là lâu dài. Chưa cần đến nhà quản lý ra tay, chính họ sẽ tự đóng cửa, tự làm mình bị công chúng quay lưng thôi."/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục