Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa chính thức có thông báo điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, từ 22 giờ tối nay, 20/7, giá bán lẻ xăng, dầu sẽ có điều chỉnh tăng từ 300-400 đồng/lít tùy mặt hàng.
Trong đó, giá xăng RON 92 và dầu diesel sẽ có mức tăng cao nhất là 400 đồng/lít và có mức giá mới lần lượt là 21.000 đồng/lít và 20.300 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu hỏa có mức giá mới là 20.150 đồng/lít, tăng 300 đồng/lít so với giá hiện hành. Trong khi đó, giá dầu madút vẫn giữ nguyên ở mức 17.650 đồng/kg như trước.
Như vậy, đây là lần đầu tiên giá xăng dầu có điều chỉnh tăng sau 5 lần giảm giá từ đầu năm tới nay.
Trong lần điều chỉnh giá xăng, dầu gần nhất ngày 2/7, giá xăng đã được giảm 600 đồng/lít về mức 20.600 đồng/lít. Trong khi đó, giá các mặt hàng khác như dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút có mức giảm từ 200 đồng tới 300 đồng/lít, kg.
Trước đó, trong văn bản vừa được thông báo tối nay 20/7, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu rà soát lại phương án tính giá trong điều kiện giá cơ sở của những mặt hàng này đang cao hơn giá bán hiện hành từ 71 đồng tới 412 đồng/lít,kg tùy mặt hàng.
Cụ thể, trong văn bản số 9794, Bộ Tài chính cho rằng việc các doanh nghiệp đăng ký giá để tự quy định giá bán trong biên độ cho phép theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, trên cơ sở diễn biến giá thế giới hiện nay, Bộ Tài chính tính toán thấy giá cơ sở xăng RON 92 đang cao hơn giá bán hiện hành 390 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel đang thấp hơn giá thị trường 412 đồng/lít; dầu hỏa 348 đồng/lít và dầu madút là 71 đồng/kg.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát lại phương án giá, cách tính giá đã đăng ký để quy định giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và Nghị định số 84/2009/NĐ-CP. Các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định giá và kết quả kinh doanh của mình
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có nhiệm vụ báo cáo Liên Bộ Tài chính - Công Thương tình hình thực hiện để Liên Bộ theo dõi, giám sát theo quy định.
Về quyền quyết định giá xăng, dầu, ngày 29/6, Bộ Tài chính đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp tự quyết trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi cần phải xem xét điều chỉnh giá thì các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đăng ký giá với Liên Bộ Tài chính-Công Thương.
Mặc dù vậy, đánh giá về quyết định này, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế khi gốc rễ của vấn đề là tình trạng độc quyền vẫn chưa được giải quyết./.
Xuân Dũng (Vietnam+)