Rupert Stadler, cựu Giám đốc điều hành cấp cao (CEO) công ty sản xuất ôtô Audi AG (thương hiệu trực thuộc Volkswagen) đã chính thức bị tòa án Đức kết án trong vụ bê bối gian lận khí thải của VW.
Ngày 27/6, Tòa án Munich tuyên án ông Rupert Stadler 1 năm 9 tháng tù hưởng án treo và phải nộp phạt 1,1 triệu euro (1,2 triệu USD) với tội danh gian lận và lừa dối trong vụ bê bối khí thải động cơ diesel.
Cựu CEO vào tháng trước thừa nhận ông đã cho phép các loại xe Volkswagen, Audi và Porsche được trang bị phần mềm gian lận khí thải vẫn được bán ngay cả sau khi vụ bê bối được công chúng biết đến.
Theo bản án, trước những dấu hiệu của thủ đoạn gian lận khí thải ở châu Âu, với tư cách là Giám đốc điều hành, lẽ ra ông Stadler phải thận trọng hơn, nhanh chóng làm rõ và can thiệp kịp thời.
Tuy nhiên, trước khi thừa nhận trước tòa rằng mình đã "lừa đảo bằng cách phớt lờ," cựu CEO của Audi AGluôn từng tuyên bố bản thân vô tội trước các cáo buộc.
Nắm giữ vị trí lãnh đạo trong tập đoàn Volkswagen từ năm 1997, ông Rupert Stadler đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng, bao gồm cả việc lên chiến lược phát triển sản phẩm trong giai đoạn năm 2002.
Ông cũng từng đảm nhận vai trò Chủ tịch của Lamborghini Holding SpA (vốn cũng là công ty con của Volkswagen), trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành Audi AG từ ngày 1/1/2010.
Cựu CEO Audi AG bị bắt vào tháng 6/2018 do liên quan đến vụ bê bối khí thải tại Audi.
[Volkswagen đối mặt nguy cơ bị triệu hồi xe liên quan gian lận khí thải]
Theo cáo trạng, ông Stadler bị cáo buộc "đã biết về các gian lận từ cuối tháng 9/2015 nhưng vẫn cho bán các dòng xe gian lận khí thải của Audi và Volkswagen ra thị trường."
Số xe gian lận khí thải được bán ra thị trường bao gồm 250.712 xe Audi, 71.577 xe Volkswagen và 112.131 xe Porsche.
Cựu CEO Audi AG đã bị giam giữ 4 tháng trước khi đưa ra xét xử do lo ngại rằng ông này sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến các nhân chứng.
Đồng phạm của ông Stadler, Wolfgang Hatz, cựu quản lý của Audi và Porsche, đã bị tuyên án 2 năm tù treo và bị phạt 400.000 euro.
Wolfgang Hatz, người từng là trưởng bộ phận phát triển động cơ của Audi, đã nhận tội vào tháng Tư. Ông này thừa nhận với các thẩm phán rằng đã giúp dàn xếp việc cài đặt phần mềm gian lận khí thải.
Một đồng phạm khác, một kỹ sư của Audi, người trước đó đã nhận tội, đã bị phạt 21 tháng tù treo và nộp phạt 50.000 euro.
Cựu Giám đốc điều hành của Volkswagen, Martin Winterkorn, cũng được cho là sẽ hầu tòa vì tội gian lận trong vụ bê bối, nhưng vụ án của ông đã bị hoãn vô thời hạn do sức khỏe yếu.
Ngày 18/9/2015, Volkswagen đã gây sốc cho thế giới khi bị Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cáo buộc các phương tiện được mệnh danh “diesel sạch” bị phát hiện vi phạm đạo luật không khí sạch.
Nhà sản xuất xe hơi Đức đã thừa nhận rằng họ đã cố tình trang bị động cơ diesel tăng áp bằng một "thiết bị gian lận" nhằm mục đích làm sai lệch kết quả hệ thống khí thải của xe trong thử nghiệm phát thải.
Theo các nhà quản lý, phần mềm gian lận được sử dụng để phát hiện thời điểm nào xe bị kiểm tra lượng khí thải. Xe sẽ bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra, nhưng lại tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường. Do vậy, xe sẽ thải ra liều lượng khí thải quá hạn mức cho phép theo quy định.
Vụ bê bối này được cho đã gây thiệt hại cho Volkswagen khoảng 30 tỷ euro (khoảng 33,5 tỷ USD) và nổi tiếng đến mức truyền thông thế giới đặt tên thành “Dieselgate.”
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới Volkswagen, vụ bê bối gian lận khí thải còn ảnh hưởng tới cả ngành công nghiệp ôtô Đức nói chung.
Vụ việc đã khiến CEO tập đoàn Martin Winterkor phải từ chức vài tháng sau đó, Volkswagen bị nhiều quốc gia điều tra, vướng vào nhiều vụ kiện tụng và giá cổ phiếu lao dốc, đồng thời phải thu hồi hàng loạt xe và doanh số bán ôtô cũng sụt giảm theo./.