Sáng 26/3, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), chương trình giao lưu giữa các thanh niên, nhà báo, nghệ sỹ đã đến Trường Sa với thanh niên và đồng bào các dân tộc đã diễn ra.
Đây là hoạt động nổi bật trong chuỗi các hoạt động “Thanh niên với tình yêu biển đảo quê hương” thuộc chương trình tháng 3/2017 của Làng với chủ đề "Màu áo xanh."
Tham gia chương trình giao lưu có Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đặng Minh Hải cùng một số nhà báo, ca sỹ đã đến Trường Sa…
Qua câu chuyện, chia sẻ của những người tham gia giao lưu, thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu, thêm trách nhiệm với biển đảo của Tổ quốc, để Trường Sa, Hoàng Sa.
Chương trình “Màu áo xanh" diễn ra trong suốt tháng Ba tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa dân tộc cho thanh niên, giúp các bạn trẻ gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của ông cha, đồng thời khẳng định vai trò nòng cốt của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Ngay từ đầu tháng Ba, Làng đã tổ chức trồng 60 cây phượng vĩ, tạo hàng cây thanh niên, hưởng ứng hoạt động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ."
Triển lãm giới thiệu, trưng bày 21 phiến đá của 21 đảo và 33 điểm đóng quân trên phạm vi quần đảo Trường Sa của Việt Nam được Quân chủng Hải quân Việt Nam trao tặng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đến với không gian này, công chúng sẽ được biết với những cái tên thân thương, nhưng đầy tự hào như Song Tử-An Bang, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết... Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa được tạo dựng, đan cài với 36 tác phẩm ảnh chủ đề “Trường Sa trong ta” rất dung dị, thân thương, đầy xúc cảm về cuộc sống, hơi thở của Trường Sa.
Trong tháng 3/2017, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam còn trưng bày, triển lãm ảnh với chủ đề “Sắc Xuân biên cương,” giới thiệu khoảng 50 bức ảnh về sắc Xuân vùng cao, lễ hội, các hoạt động đón Tết tại các đồn biên phòng, bộ đội biên phòng cùng đón Tết vui Xuân với bà con đồng bào các tỉnh vùng cao...
Ban tổ chức cũng tái hiện một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như: Lễ cúng Xẻng ông, dân tộc Dao (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); lễ tra hạt đầu năm của dân tộc Khơ Mú (tỉnh Điện Biên); lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk và dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế; hội Xòe dân tộc Thái - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (đang lập hồ sơ di sản trình UNESCO)...
Trong 3 tháng đầu năm, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đón khoảng 125.000 lượt khách, trong đó riêng tháng 3/2017 có 25.000 lượt khách; gần 70% là học sinh, sinh viên đến tham quan, dã ngoại, trải nghiệm, cắm trại tổ chức các hoạt động tập thể nhân Tháng Thanh niên.../.