Giao thương toàn cầu gián đoạn vì sự cố tàu mắc cạn ở Suez

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, công tác giải cứu và làm nổi lại tàu Ever Given là một quy trình phức tạp, đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và có thể mất nhiều thời gian.
Giao thương toàn cầu gián đoạn vì sự cố tàu mắc cạn ở Suez ảnh 1Siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn tại Kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 24/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau ba ngày liên tiếp, “siêu tàu” chở hàng Ever Given hiện vẫn mắc kẹt trong Kênh đào Suez của Ai Cập, làm tê liệt dòng chảy thương mại hàng hải thế giới đi qua kênh đào này.

Theo báo cáo mới công bố của tổ chức Conversation Africa, vụ việc này có thể khiến hoạt động giao thương toàn cầu rơi vào kịch bản tồi tệ.

Báo cáo của Conversation Africa nhận định, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, công tác giải cứu và làm nổi lại tàu Ever Given là một quy trình phức tạp, đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và có thể mất nhiều thời gian.

Theo Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA), khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua Kênh đào Suez, với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa qua kênh đào này trong năm 2020.

Trong khi đó, dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy phương thức vận tải chính của thương mại toàn cầu là vận tải hàng hải với khoảng 90% hàng hóa giao dịch được chuyển thông qua đường biển.

[Kênh đào Suez tắc nghẽn do tàu container khổng lồ bị mắc cạn]

Cơ quan định giá độc lập quốc tế về các thị trường năng lượng và hàng hóa Argus Media dự báo, do sự đình trệ của Kênh đào Suez, giá container phế liệu sắt dự kiến sẽ tăng lên 900 USD/container cho tuyến vận tải từ Mỹ đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1/4 tới, so với mức tương ứng 800 USD/container của tháng Ba.

Tại châu Âu, một số hãng vận tải hàng hải đã ra thông báo cho biết hoạt động vận chuyển cao su tổng hợp tới đối tác Ấn Độ sẽ bị trì hoãn trong vòng bảy ngày tới. Bên cạnh đó, ít nhất hai tàu từ châu Á chở 10.000 tấn hóa chất công nghiệp có thể không thể cập cảng châu Âu đúng lịch trình.

Nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa độc lập toàn cầu ICIS cho biết thêm, bất kỳ tác động nào khác đối với hoạt động vận tải hàng hóa sẽ phụ thuộc vào việc Kênh đào Suez có thể sớm hoạt động trở lại hay không, đồng thời sự chậm trễ do giao thương tắc nghẽn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung ở một số thị trường.

Kênh đào Suez là tuyến vận tải quan trọng cho dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế đi từ Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập, mang lại cho quốc gia Bắc Phi này doanh thu 5,6 tỷ USD trong năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục