Giày da khổng lồ hút khách tại Festival làng nghề Việt Nam 2023

Chiếc giày da nam có chiều dài 'khủng' tới 4,02m do ông Nguyễn Văn Khương và các cộng sự làm ra đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách tham quan tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam.

Trong 3 ngày từ 9/11-11/11 tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 đã được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm truyền thống.

Trong số hàng nghìn sản phẩm thủ công, mỹ nghệ tinh xảo được trưng bày tại đây, một chiếc giày da khổng lồ ở khu vực giữa khuôn viên triển lãm đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách thăm quan bởi sự độc đáo và lạ mắt. Đây là sản phẩm thuộc Viện nghiên cứu Da Giầy (Bộ Công Thương), do ông Nguyễn Văn Khương cùng các cộng sự sản xuất.

Chiếc giày độc đáo này có chiều dài tới 4,02m, rộng 1,42m và cao 1,32m; được làm hoàn toàn bằng da miếng cao cấp với hình dáng bắt mắt, các chi tiết được làm rất tỉ mỉ và công phu. Ông Khương cho biết để cho ra chiếc giày này phải mất tới 10 tháng từ công đoạn nghiên cứu, thiết kế và hoàn thiện sản phẩm.

Mới đây, chiếc giày da khổng lồ này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là chiếc giày da nam có kích thước lớn nhất. Thông qua việc đem đôi giày tới triển lãm lần này, vị đại diện này cho biết ông muốn quảng bá, giới thiệu về chất lượng, khả năng sáng tạo của ngành sản xuất da giầy Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.

[Bảo tồn và phát triển các sản phẩm làng nghề Việt bay cao, vươn xa]

Bên cạnh sản phẩm độc đáo trên, trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm nay còn sự góp mặt của hơn 300 gian hàng từ 42 tỉnh, thành phố trong cả nước; gian hàng quốc tế tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao.

Theo Ban tổ chức, Festival làng nghề là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước, qua đó từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề./.

(Vietnam+)