Giới chức Indonesia xác nhận địa điểm đặt thủ đô mới trên đảo Borneo

Thủ đô mới của Indonesia sẽ có 3.000ha đất cho giai đoạn phát triển đầu tiên, được thiết kế như một thành phố thông minh bền vững, có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hệ thống nước và điện xanh
Khói mù ô nhiễm bao phủ Jakarta, Indonesia, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Khói mù ô nhiễm bao phủ Jakarta, Indonesia, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Truyền thông Indonesia ngày 22/8 dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Kế hoạch đất đai Sofyan Djalil cho biết nước này sẽ xây dựng thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.

Tuy nhiên, ông không nêu rõ địa điểm chính xác sẽ đặt thủ đô mới.

Bộ trưởng Djalil đưa ra phát biểu trên sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước chính thức đề xuất lên Quốc hội kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java về một địa điểm ở Kalimantan.

Theo ông Djalil, chính phủ sẽ có 3.000ha đất cho giai đoạn phát triển đầu tiên.

Thủ đô mới của Indonesia sẽ được thiết kế như một thành phố thông minh bền vững, có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hệ thống nước và điện xanh.

[Infographics] Kế hoạch dời thủ đô tới Borneo của Tổng thống Indonesia

Truyền thông Indonesia cho rằng có thể Tổng thống Widodo sẽ chọn khu vực Bukit Soeharto hoặc thị trấn Samboja làm trung tâm hành chính mới.

Ước tính, kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia sẽ tiêu tốn khoảng 33 tỷ USD, trong đó có việc xây dựng các trụ sở công quyền mới và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu nhân viên chính phủ.

Theo Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Bappenas, kế hoạch di dời thủ đô có thể bắt đầu vào năm 2024.

Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người.

Tình trạng ách tắc giao thông đang là nguyên nhân gây thiệt hại tới 7,04 tỷ USD kinh tế hàng năm của Jakarta.

Hơn nữa, do vị trí nằm ở vùng đất thấp, thủ đô quốc gia vạn đảo này rất dễ bị ngập lụt khi triều cường.

Trước đây, Jakarta từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập.

Thủ đô lớn hàng đầu thế giới này đang chìm dần vào nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm.

Mật độ đường sá giao thông trong thành phố thấp đáng kể so với các thành thị khác trên thế giới, gây ra tình trạng kẹt xe trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục