Giới chuyên gia: Đối đầu Trung-Mỹ gia tăng ở châu Á

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm dấy lên lo ngại trong khu vực, với việc Thủ tướng Singapore năm 2018 cảnh báo các nước Đông Nam Á có thể buộc phải lựa chọn đi theo Trung Quốc hoặc Mỹ.
Giới chuyên gia: Đối đầu Trung-Mỹ gia tăng ở châu Á ảnh 1Bốc dỡ hàng tại cảng container ở Baltimore, Maryland (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, theo các nhà phân tích, đối đầu Trung-Mỹ ở châu Á-đặc biệt là ở Biển Đông - sẽ gia tăng sau khi Mỹ thông qua đạo luật nhấn mạnh cam kết của Washington đối với khu vực.

Giới quan sát nhận định Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký trong tuần này đã phát đi tín hiệu rằng Mỹ muốn duy trì quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng như thuyết phục họ đối phó với Trung Quốc nếu cần thiết.

Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng bất chấp căng thẳng lắng dịu thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của đạo luật trên chứng tỏ "chúng ta có khả năng sẽ thấy những tác động từng bước một (của đạo luật này) đối với sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á."

Chuyên gia Koh nêu rõ: "Chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu Mỹ-Trung, kể cả trong trường hợp chính quyền của Tổng thống Trump không thực sự thực thi đạo luật này."

Bắc Kinh và Washington đang ngày càng mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông - một tuyến hàng hải chiến lược, nơi hàng tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã gửi tàu chiến và máy bay quân sự tới vùng biển đang tranh chấp để thực hiện các cuộc tuần tra, trong đó có ít nhất một lần đã suýt dẫn đến đụng độ.

Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc đối đầu như vậy có thể sẽ tiếp tục, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan mới đây đã nói với các nhà lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm Góc rằng Trung Quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ.

Theo đạo luật trên, Mỹ sẽ tái khẳng định các cam kết an ninh đối với các quốc gia đồng minh của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia) và sẽ chi 1,5 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm để tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Mỹ cũng sẽ xây dựng quan hệ đối tác an ninh ở Đông Nam Á.

Một phần của chiến lược sẽ là tăng cường chiến dịch tự do hàng hải với các đồng minh ở biển Hoa Đông và Biển Đông, những sứ mệnh mà Bắc Kinh coi như một cái cớ để Mỹ "giương cơ bắp" đe dọa Trung Quốc.

Đạo luật này cũng cho phép Mỹ áp đặt trừng phạt đối với các thực thể và các chính phủ bị cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ - một vấn đề lớn khác dẫn đến bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm dấy lên lo ngại trong khu vực, với việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tháng 11/2018 cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á có thể buộc phải lựa chọn đi theo Trung Quốc hoặc Mỹ. Chuyên gia Koh nhận định sự can thiệp của các đồng minh khu vực của Mỹ có thể khiến Trung Quốc "đau đầu" hơn.

Ông nói: "Đề cập tới khó khăn mà Trung Quốc có thể phải đối mặt, không khó để nhận thấy là sức ép chiến lược có thể không chỉ xuất phát từ bản thân nước Mỹ, vì đạo luật ARIA dường như cũng nhấn mạnh vai trò của các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ."

Tony Nash, Giám đốc công ty nghiên cứu Complete Intelligence, cho rằng việc ký đạo luật trên đồng nghĩa với việc "Mỹ có bạn bè."

Dựa trên cơ sở nỗ lực của Bắc Kinh thúc đẩy thương mại và cơ sở hạ tầng quốc tế, chuyên gia Nash nhận định: "Những người bạn này (của Mỹ) không nhất thiết dựa trên cam kết cho vay hàng tỷ USD, mà dựa trên các cam kết chính trị, kinh tế và quân sự. Điều này cho thấy thực tế trái ngược so với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc xây dựng thông qua Sáng kiến 'Vành đai và Con đường.' Đạo luật này đang chứng tỏ những cam kết của Mỹ đối với khu vực."

Mỹ ký đạo luật ARIA trong bối cảnh đồng hồ đang chuyển dịch gần đến thời điểm kết thúc 90 ngày đình chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh để hai bên đàm phán chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Cuộc đàm phán cấp thứ trưởng dự kiến diễn ra trong 2 ngày sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào đầu tuần tới, mà Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được một số thỏa thuận với Mỹ về giảm bớt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các biện pháp áp thuế này đang bắt đầu đặt gánh nặng lên sự tăng trưởng kinh tế vốn đã chậm lại của nước này. Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tái khẳng định Bắc Kinh sẽ không loại bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đạo luật ARIA không phải là chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại.

Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của tập đoàn Rand Corporation, nhất trí rằng đạo luật trên báo hiệu về cam kết của Mỹ trong khu vực.

"Tôi cho rằng đó là một ví dụ rõ ràng mới nhất về cảm giác lo ngại thực sự trong Chính phủ Mỹ về sự ảnh hưởng và hành vi khiêu khích ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế. Quan hệ song phương rõ ràng đã vấp phải một động lực đối đầu gia tăng, và do đó trong bối cảnh rộng hơn, với nhiều bất đồng về địa chiến lược, đạo luật ARIA có thể được xem là một cú đòn chống lại hành vi xấu của Trung Quốc," Grossman nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục