Giới chuyên gia dự báo kịch bản khủng hoảng tài chính toàn cầu

Chuyên gia Colombo cảnh báo những “bong bóng” trên thị trường bất động sản châu Âu, thị trường chứng khoán Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp và các loại khác bắt đầu vỡ.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giới chuyên gia dự báo kịch bản khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chuyên gia kinh tế Jesse Colombo, người từng dự báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cho rằng thế giới đang đứng trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài chính mới và nó có thể tồi tệ hơn nhiều so với trước đó.

Ông Colombo lưu ý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không phải là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này, song dịch bệnh này có thể trở thành "tác nhân" cho một cuộc khủng hoảng mới.

Vấn đề chính là sự hiện diện của "bong bóng" tại hơn 20 thị trường và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Cụ thể đó là những “bong bóng” trên thị trường bất động sản châu Âu, thị trường chứng khoán Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp và các loại khác.

Một trong những "bong bóng" lớn nhất là tín dụng của Trung Quốc, phát triển dựa trên việc cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia Colombo cảnh báo giờ đây những "bong bóng" này bắt đầu vỡ.

Ông lưu ý cuộc khủng hoảng hiện nay có thể tồi tệ hơn những gì ông từng dự đoán cách đây hơn 10 năm vì tổng khoản nợ ở các lĩnh vực khác nhau đã tăng gần 100.000 tỷ USD.

Trước đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo, ngoài những thảm họa thảm khốc về con người do dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Trong khi đó, dịch COVID-19 lây lan khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm đặc biệt tác động đến ngành hàng không trong vài tuần qua.

Ngày 12/3, giới chức Cục Hàng không dân sự Trung Quốc cho biết các hãng hàng không nước này đã báo cáo khoản thua lỗ tổng cộng gần 21 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3 tỷ USD) trong tháng Hai. Lượng hành khách đi lại bằng máy bay trong tháng vừa qua đã giảm 84,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Australia: Tác động của COVID-19 lớn hơn rất nhiều khủng hoảng 2008]

Giới phân tích cho rằng lệnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó cấm mọi hoạt động đi lại từ các nước châu Âu tới Mỹ, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày, sẽ gây thêm áp lực đối với các ngành hàng không vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, quyết định này sẽ giáng một đòn mạnh vào các hãng hàng không nước ngoài như Lufthansa của Đức và Air France KLM của Pháp, vốn thống lĩnh thị trường khách qua lại giữa châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo động thái của chính quyền Mỹ có nguy cơ gây hỗn loạn tại hàng chục sân bay trên khắp châu Âu khi hành khách tìm cách đáp chuyến bay cuối cùng đến Mỹ trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Trước đó, hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air cảnh báo sự bùng phát của dịch COVID-19 có thể đe dọa sự tồn vong của hãng hàng không lớn nhất nước này, sau khi hơn một nửa thế giới áp đặt hạn chế đối với du khách từ Hàn Quốc.

Theo Chủ tịch Korean Air Woo Kee-hong, hãng đã giảm hơn 80% công suất vận chuyển quốc tế do các biện pháp hạn chế đi lại toàn cầu, trong khi con số này là 18% trong giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Korean Air đã phải ngừng khai thác 100 trong tổng số 145 máy bay chở khách.

Hãng cũng đã thực hiện các biện pháp như hoãn các khoản đầu tư, giảm chi phí vận hành và khuyến khích nhân viên tự nguyện nghỉ việc. Tuy nhiên, ông cảnh báo tình hình hiện tại tiếp tục kéo dài sẽ đe dọa tới sự tồn tại của hãng.

Không chỉ các hãng hàng không Hàn Quốc đối mặt với tình hình kinh doanh "ảm đạm," hãng hàng không Air France KLM của Pháp cũng có chung tình cảnh tương tự khi ghi nhận sự sụt giảm số lượng hành khách trong tháng Hai vừa qua.

Cụ thể, trong tháng qua, Air France KLM chỉ vận chuyển dưới 7 triệu lượt hành khách, giảm 0,5% so với một năm trước. Tuy nhiên, các số liệu của tháng Hai về cơ bản là việc cắt giảm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng như tác động ban đầu của dịch COVID-19 tại châu Á.

Hãng cảnh báo tác động của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sẽ trở nên rõ rệt hơn trong những tháng tới khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục