Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử liên bang Canada lần thứ 43, nhưng đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đã không duy trì được thế đa số tại Hạ viện.
Đáng chú ý là trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Trudeau đã bác bỏ khả năng thành lập một chính phủ liên minh “dù là dưới bất kỳ hình thức nào, chính thức hay không chính thức.”
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhận định về mối quan hệ giữa Canada với Việt Nam trong bối cảnh chính trị này, ông Luis Silva, chuyên gia về quan hệ chính phủ, bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Canada và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ hai của chính phủ đảng Tự do.
Theo ông Luis Silva, thỏa thuận xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Canada và Việt Nam mà Thủ tướng Justin Trudeau ký năm 2017 cho thấy, đối với Canada, Việt Nam là một đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng chung quan điểm trên, ông Bryon Wilfert, lãnh sự Myanmar tại Canada cho rằng sẽ không có gì thay đổi trong những cam kết về kinh tế và chính trị giữa Ottawa và Hà Nội.
Hiện đảng Tự do cầm quyền và đảng Bảo thủ đối lập đều ủng hộ Hiệp định Đối toàn Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Canada và Việt Nam là thành viên.
Ông Bryon Wilfert dự báo hai nước sẽ tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao trong thời gian tới.
Theo ông Bryon Wilfert, Canada sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang tăng trưởng đem đến những cơ hội lớn, giữa lúc mối quan hệ Canada-Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện.
[Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Canada]
Bà Elizabeth McIninch, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, đã phân tích về tầm quan trọng của Việt Nam đối với Canada và những lĩnh vực hợp tác mà hai nước có thể bổ sung cho nhau.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 toàn cầu về nguồn du học sinh quốc tế tại Canada, với trên 20.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Canada.
Trong khi đó, Canada có thế mạnh về công nghệ sạch, công nghệ nông nghiệp, chế biến thực phẩm, các sản phẩm y tế và dược phẩm. Cơ sở hạ tầng đường bộ, giao thông công cộng, năng lượng tái tạo,... cũng là những điểm mạnh của Canada và là những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần.
Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang, Giám đốc Hiệp hội Canada-Việt Nam tại Toronto cho hay, người gốc Việt tại Canada có tỷ lệ việc làm cao, với mức thu nhập có thể so sánh với các cộng đồng nhập cư khác và với cả những người được sinh ra tại Canada.
Hiện Hiệp hội Canada-Việt Nam đang nỗ lực đem đến cho người dân Canada một cái nhìn toàn diện hơn về người Canada gốc Việt.
Hiện nay Việt Nam được nhiều học giả Canada đánh giá là ngôi sao đang lên tại Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 7% trong 10 năm qua, nền kinh tế mở cửa hơn và những cam kết hội nhập toàn cầu đã giúp khu vực chế tạo của Việt Nam đi lên.
Là quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới với 97 triệu người, 60% dân số trong độ tuổi lao động và 70% dân số ở độ tuổi dưới 30, Việt Nam được dự báo có khả năng phát triển kinh tế mạnh, với nguồn nhân lực am hiểu công nghệ và thương mại./.